Ngay sau khi đề thi môn văn tốt nghiệp THPT
năm nay có nêu tấm gương của học sinh Nguyễn Văn Nam - lớp 12T7 Trường
THPT Đô Lương 1 (Nghệ An), người đã hi sinh sau khi quên mình cứu năm
bạn nhỏ thoát khỏi dòng nước xiết sông Lam ngày 1-5, Tuổi Trẻ đã trở lại cùng gương dũng cảm này qua diễn đàn “Cứu người, dù hi sinh tính mạng?”.
Qua nhiều ý kiến đa chiều đăng trên các số báo cũng như
những chia sẻ mà Tuổi Trẻ nhận được, phần lớn bạn đọc đều cảm động,
khen ngợi tinh thần sẵn sàng xả thân vì người khác của Nam và đồng tình
với việc đề thi tú tài đề cập đến câu chuyện nhân văn này. Cũng có cả ý
kiến trái chiều đặt vấn đề có nên hi sinh để cứu người không?
Diễn đàn chủ nhật tuần này giới thiệu ý kiến của tiến
sĩ Hồ Thiệu Hùng cùng một số chia sẻ khác để khép lại diễn đàn “Cứu
người, dù hi sinh tính mạng?”. Cảm ơn bạn đọc và mời bạn đọc tham gia
các diễn đàn tiếp theo trên Tuổi Trẻ.
Giúp thức tỉnh suy nghĩ ở nhiều người
Dù có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nhưng rõ
ràng sự vô cảm đang là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội chúng ta. Chỉ
biết lo cho bản thân mình, thấy người bị nạn không giúp đỡ, tình làng
nghĩa xóm đang bị mai một... và thay vào đó là một thế giới đề cao chủ
nghĩa vị kỷ. Câu chuyện của Nguyễn Văn Nam như một ngọn lửa bùng cháy,
lan tỏa nhanh và thức tỉnh suy nghĩ ở mọi người.
Trong những tình huống cứu người cấp bách, ngay cả lực
lượng cứu hộ chuyên nghiệp cũng vẫn có thể gặp những rủi ro ảnh hưởng
đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy không nên cho rằng Nam không biết “tự
lượng sức mình” khi cứu người bị nạn. Tất nhiên để hạn chế những hậu quả
xấu có thể xảy ra, giới trẻ cần được trang bị những điều cơ bản như:
khả năng quan sát tốt tình huống, khả năng kêu gọi và huy động trí tuệ,
sức mạnh tập thể... Bên cạnh đó là các kỹ năng đặc biệt ứng với từng
tình huống nguy hiểm cụ thể. Nhà trường và gia đình có trách nhiệm giúp
các em hoàn thiện những kỹ năng này.
ThS tâm lý ĐÀO LÊ HÒA AN
(chuyên gia huấn luyện kỹ năng nhận diện và
ứng phó với tình huống nguy hiểm)
(chuyên gia huấn luyện kỹ năng nhận diện và
ứng phó với tình huống nguy hiểm)
Vẽ lại bức tranh ở giới trẻ
Câu chuyện cứu người của Nam không chỉ gợi lên chủ đề
bấy lâu nay dường như đã ngủ quên trong lòng mọi người là lòng dũng cảm,
mà qua đó còn giúp vẽ lại bức tranh về giới trẻ vốn xám xịt trong suy
nghĩ của nhiều người.
Cho dù tranh cãi về Nam là chưa ngã ngũ nhưng hành động
của em đáng học hỏi. Đừng mãi phân tích đúng, sai trong câu chuyện này
bởi mỗi người có quyền có lựa chọn riêng trong hành động đáng được tôn
trọng. Điều cần thiết hơn là người lớn chúng ta cần giáo dục trẻ biết
đánh giá đúng tình hình và biết tự chịu trách nhiệm về điều mình làm.
Các em cũng cần được biết lòng dũng cảm là điều đáng quý nhưng sẽ hay
hơn nếu đi kèm lòng dũng cảm là sự tự trang bị những kỹ năng sống cho
bản thân... để không chỉ có thể cứu người mà còn tự bảo vệ được mình.
Mỗi con người chúng ta trưởng thành ra sao, tính cách
trở nên như thế nào hầu hết đều bị tác động bởi môi trường sống xung
quanh và sự giáo dục, ảnh hưởng từ thế hệ trước. Vì vậy người lớn cần
làm tấm gương sáng để giới trẻ noi theo thay vì chỉ rao giảng giáo điều,
phân tích một chiều.
PHẠM HÀ NGỌC
(25 tuổi, giáo viên, Q.10, TP.HCM)
(25 tuổi, giáo viên, Q.10, TP.HCM)
Không có quan điểm đúng, sai
Theo tôi, đây là góc tiếp cận sáng tạo của đề thi văn,
khuyến khích học sinh mở rộng khả năng tư duy, lập luận nên tôi hoàn
toàn ủng hộ. Tôi được biết có nhiều tranh cãi về hành động của Nam những
ngày qua và điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Đã là quan điểm thì muôn hình
vạn trạng, không có quan điểm đúng hay sai, chỉ có quan điểm có tính
thuyết phục cao và ngược lại. Thực tế, chúng ta không ở hoàn cảnh của sự
việc nên không thể võ đoán việc Nam làm là đúng hay sai. Tuy nhiên,
chính nhờ những phản biện nhiều chiều giúp chúng ta nhìn nhận thấu đáo
hơn về sự việc để từ đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong các
trường hợp tương tự sau này.
Dù sao đi nữa, tôi vẫn cho rằng hành động của Nam là
rất dũng cảm và hoàn toàn xứng đáng để được nhớ đến, vinh danh như một
tấm gương sáng.
JOHNY TRÍ DŨNG
(cựu SV ĐH SMU, Singapore)
(cựu SV ĐH SMU, Singapore)
Sẽ làm điều tương tự Nam
Là đồng hương của Nam, tôi rất tự hào về hành động của
em và tin bản thân sẽ làm điều tương tự khi rơi vào tình huống như Nam.
Xã hội ngày càng hiện đại, phát triển kéo theo mặt trái là sự thực dụng,
vô tâm ngày một cao ở con người. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh, gia
đình hiện quan tâm, chăm sóc con cái quá mức dẫn đến việc giới trẻ dần
trở nên thụ động, chỉ biết nhận chứ ít khi cho. Câu chuyện của Nam là
một cú hích để mọi người nhìn lại việc giáo dục tính vì cộng đồng ở
người trẻ. Nếu gặp tình huống như Nam mà chúng ta cứ mãi so đo, tính
toán thì hậu quả biết đâu sẽ bi thảm hơn rất nhiều. Một xã hội mà mọi
người chỉ nói về điều tốt nhưng không can đảm làm điều tốt thì sẽ khó
thể phát triển.
-----------------------------------------------