Thời gian qua, một vấn đề được
bàn luận khá rôm rả trên diễn đàn Internet cũng như các trang mạng xã
hội lại là vấn đề khá nghiêm túc lâu nay không thuộc “từ trường” của
giới trẻ, đó là đề thi Ngữ văn THPT. Theo nhiều ý kiến, tính thời sự
được cập nhật ngay và hướng đến ý nghĩa nhân sinh là 2 điểm riêng đáng
chú ý với đề văn này.
Thí sinh thảo luận bài sau giờ thi |
Với một bài viết trên docbao.vn, người
viết Đức Hoàng đã khởi đầu sự tranh luận cùng nhiều người tham gia mạng
xã hội Facebook, khi nhìn nhận ý nghĩa nhân sinh trong đề văn tốt nghiệp
năm nay được đề cập trực tiếp hơn. Sự phân tích điểm chung nhất giữa cả
3 câu hỏi về vòng hoa trên mộ người chiến sĩ Hạ Du, tâm trạng nhân vật
Mỵ trong “Đêm hội mùa xuân” và hình ảnh em Nguyễn Văn Nam đã hy sinh cứu
các em nhỏ khỏi chết đuối ngày 30/4 vừa qua, cho thấy niềm tin vào nhận
thức “được và mất” trong lựa chọn của mỗi cá nhân trong đời sống thực
sự cần thiết. Niềm tin ấy không chỉ đơn thuần là những hình ảnh được
ngợi ca theo thói quen phân tích, bình luận văn học lâu nay, mà là bài
học đáng suy ngẫm cho các thế hệ trẻ hiện nay.
Theo một số đánh giá, từ 2 hình ảnh
“sáng tạo nghệ thuật” về 2 số phận văn học, đề Văn tốt nghiệp năm nay đã
“đấu nối” với sự việc trực tiếp: Em Nguyễn Văn Nam đã dám hy sinh cuộc
sống chính mình vì sự sống của người khác. Đó là một sự đổi mới rất lớn
trong cách ra đề Văn lần này. Nó đòi hỏi các thí sinh phải biết gắn bó
việc học tập, trau dồi kiến thức nhà trường với đời sống thông tin hàng
ngày từ báo chí. “Liệu có bao nhiêu em học sinh cập nhật được sự việc em
Nam? Câu hỏi này hóa ra lại đơn giản, vì trong bối cảnh hôm nay, thông
tin là không thiếu. Song liệu có bao nhiêu em khi làm bài, kết nối được
thông điệp về giá trị nhân sinh “cho và nhận” từ bài làm, từ đề văn, thì
điều này không hề đơn giản”.
Những phân tích như vậy trên mạng xã hội
đang thực sự nhìn nhận đúng hơn ý nghĩa mà một đề văn tốt nghiệp THPT
có thể mang lại. Đáng nói hơn, đa số ý kiến quan tâm vấn đề này, lại là
những phụ huynh, những người đã qua tuổi học trò từ lâu, vốn quen quan
sát chuyện thi cử của lớp trẻ một cách thờ ơ bên ngoài lề rằng “thi tốt
nghiệp khi nào chẳng đậu”.
Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây, là đã có
bao nhiêu đề thi văn từng gắn kết thực tế đời sống vào nhận thức và cảm
thụ văn học của học sinh?
Một giáo viên môn Văn Trường THPT Huỳnh
Thúc Kháng (Thanh Khê, Đà Nẵng) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đọc một
đề thi Văn mang hơi thở thời sự và câu hỏi về trách nhiệm hành động
trực tiếp của con người như thế này. Điều này rất có ý nghĩa với các em
học sinh, bởi gần như lâu nay, thông tin báo chí thường xoáy quá sâu vào
cái không tốt, sự nhiễu nhương nào đó, còn sách vở nhà trường lại quá
đề cập đến các vấn đề lý tưởng, đạo đức rất quy củ. Câu hỏi em sẽ làm
sao nếu là Hạ Du, là Mỵ và là bạn Nam, thật sự rất đáng quan tâm”.
Đề thi, vì thế chỉ là đề thi, nhiều
người có thể bàng quan không quan tâm đến ý tứ tiềm ẩn đằng sau đó.
Nhưng với đề thi văn lần này, thực sự Bộ GD&ĐT đã đánh một dấu mốc
thay đổi. Mong sao những ý tưởng đề thi như thế này sẽ ngày càng được
phát huy hơn!