Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Phải làm được trong điều kiện tưởng không làm được

Nếu xét về sự lan tỏa trong cộng đồng, có thể xem bà là người của công chúng. Trong giới học thuật, đặc biệt những ai quan tâm đến giáo dục và đổi mới giáo dục, tên tuổi của bà không hề xa lạ.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở nhưng cũng hết sức tâm huyết, trăn trở về những gì bà đã trải qua để vun đắp cho một mục tiêu giáo dục VN không thể thua kém.
Sáng tạo nảy sinh do nhu cầu sống còn
Có thể xem bà là người thành công nếu dựa trên những gì bà đã làm. Bà có thể chia sẻ cho mọi người biết những yếu tố nào để có được thành công?

Nếu coi những điều gì tôi làm bây giờ mà ít nhiều có ý nghĩa thì nguyên nhân là do sự đam mê và kiên trì, dù gặp bất cứ trở ngại nào cũng không bao giờ bỏ cuộc. Tôi luôn luôn rất thích những điều tôi làm, dù làm giáo dục hay nghiên cứu lịch sử.
Có được những điều như ngày hôm nay là do nhiều người làm chứ không phải mình tôi. Chẳng qua mình thổi được đam mê vào người khác, tập hợp được nhiều người tâm huyết, có tài và khiến họ thích thú khi làm việc.
Bà có nghĩ rằng sự sáng tạo đóng một vai trò đáng kể góp phần vào sự thành công đó?
 

Cũng có lúc tôi đầu hàng khó khăn, nhưng ít nhất tôi biết đau khổ, xấu hổ khi tôi không làm được cái điều tử tế mà đáng ra tôi phải làm

Sáng tạo đối với tôi là để giải quyết khó khăn trở ngại để đạt mục tiêu. Chẳng hạn mục tiêu Trường ĐH Hoa Sen phải là một trường với chất lượng không thua kém ĐH của các nước phát triển là một thách thức vì giữa mình với các nước có khoảng cách xa vời vợi. Mục tiêu này không thiết lập trên một ảo vọng cá nhân nào mà là khao khát của nhiều đời người Việt nhưng lại thực hiện trong hoàn cảnh khắc nghiệt: không có nền ĐH phát triển lâu đời như người ta, thiếu nhân tài, vật lực… Vì thế có 2 điều mình phải dốc ra để cân bằng phương trình, bù đắp sự thiếu hụt. Đó là phải chịu cực hơn và phải có sự sáng tạo hơn. Nghĩa là mình phải làm được trong hoàn cảnh tưởng chừng không làm được. Sự sáng tạo nảy sinh do nhu cầu sống còn.
Giáo dục là thay đổi số phận của con người
Bà từng là giảng viên của một trường ĐH công lập lớn. Hơn 20 năm trước, việc phải từ bỏ một môi trường công lập bước ra ngoài công lập là một điều không dễ dàng, nhất là khi tham gia xây dựng một ngôi trường mới hoàn toàn. Tại sao bà quyết định như vậy?
Đó là khi tôi nhận thức dù có nỗ lực cá nhân thế nào đi nữa mà nếu tiếp tục nằm trong hệ thống trường công lập cũng không thể làm được những chuyện phải làm để nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi chạm phải những rào cản, ràng buộc mà nếu không vượt qua cơ chế đó thì tôi không làm được điều có ý nghĩa. Giáo dục, nhất là ở nước nghèo, là thay đổi số phận của người học, qua đó góp phần thay đổi cuộc sống của cộng đồng, chứ không phải là rập khuôn, nhai đi nhai lại như một tín đồ. Lời mời của Hoa Sen lúc bấy giờ là sự thử một mô hình đào tạo khác, đối với tôi là hấp dẫn.
Nhiều trường ngoài công lập hiện đang gặp khó khăn. Theo bà làm thế nào vượt qua khó khăn này để các trường phát triển?
Tôi nghĩ toàn thể hệ thống giáo dục ở VN đang gặp khó khăn. Điều đó cắt nghĩa vì sao người VN chưa giàu nhưng cho con đi học nước ngoài nhiều như vậy, kể cả từ tuổi còn rất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân nhưng đâu đó cũng vì người ta thất vọng, thiếu tin tưởng vào nền giáo dục nước nhà. Đó chẳng phải là khó khăn nghiêm trọng rồi còn gì!
Trường kém chất lượng có cả công lập và ngoài công lập. Làm sao để vượt qua khó khăn, theo tôi chỉ có một câu trả lời: Chăm lo cho chất lượng. Phải đi lên bằng chất lượng và uy tín, nghĩa là nói sao làm vậy.
Không thể thua kém
Với những gì đã làm, đến giờ bà tâm đắc nhất điều gì?
Hồi còn trẻ, tôi có ảo tưởng chính nghĩa sẽ tất thắng. Giờ quá tuổi tri thiên mạng tôi không còn niềm tin ngây thơ đó nữa. Tôi biết rằng ở đời nhiều lúc chính nghĩa không thắng, có khi cái ác thắng chứ không phải cái thiện, có khi cái khai sáng thất bại mà cái u mê tăm tối thống trị. Nhưng điều mà tôi không từ bỏ là sự kiên trì của mình. Tôi tin cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mình sống theo những giá trị mà mình thật sự tin tưởng. Tôi quan niệm người trí thức là người có ăn học ở một trình độ nhất định, người đã mắc một món nợ với đời. Cái mình học được là từ cuộc đời, từ kinh nghiệm tích lũy của rất nhiều người… nên phải có nghĩa vụ trả lại cho cuộc đời.
Không ai không trải qua khó khăn. Trong những lúc như thế bà nghĩ đến điều gì để vượt qua?
Tôi dùng sức mạnh lý trí nhiều hơn. Khi có khó khăn, tôi phân tích khó khăn đó đến từ đâu và khi hiểu nó đến từ đâu thì tôi không để nó thống trị mình. Nếu nó đến từ một khách quan nào đó mà vượt khỏi tầm kiểm soát của mình đi nữa, bỏ cuộc có nghĩa mình đầu hàng khó khăn. Cũng có lúc tôi đầu hàng khó khăn, nhưng ít nhất tôi biết đau khổ, xấu hổ khi không làm được cái điều tử tế mà đáng ra tôi phải làm. Thành ra một phần để tránh cho mình sự đau khổ và xấu hổ đó, tôi cố gắng vượt qua khó khăn làm cho được điều tử tế mà theo ý thức của mình là nghĩa vụ mình phải làm.
Bà có tâm nguyện gì với ngôi trường mình đang quản lý và giáo dục VN nói chung?
Chúng tôi muốn có một trường ĐH của VN hợp tác bình đẳng với ĐH các nước, có sự hội nhập tạo cho bạn trẻ VN một lợi thế cạnh tranh không thua kém những người đi du học nước ngoài. 
-----------------------------------------------  

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :