Năm học 2013 - 2014, học phí các trường công lập tại TP Hồ Chí
Minh tăng từ ba đến sáu lần so với mức học phí cũ. Việc điều chỉnh học
phí đã ít nhiều ảnh hưởng đời sống người dân. Và với mức tăng học phí
này, việc tổ chức các hoạt động giáo dục tại các trường có được cải
thiện?
Sẽ giải quyết tình trạng lạm thu?
Khi nghe
thông tin về điều chỉnh học phí trong năm học tới, chị Nguyễn Thị Hương
ngụ quận 12 không khỏi lo lắng "Tôi có hai cháu cùng đi học, một sắp vào
lớp 6, một học mầm non. Giờ tăng học phí, càng khó khăn hơn. Tính ra,
tiền học phí không đáng bao nhiêu nhưng tụi nhỏ đi học bây giờ đâu chỉ
có tiền học phí, phải đóng đủ thứ tiền, nhất là vào đầu năm học. Lo tiền
học cho mấy đứa đuối sức luôn!". Không chỉ riêng chị Hương, nhiều phụ
huynh tỏ ra lo lắng khi học phí tăng. Chị Phạm Thị Ngoan ngụ quận 4 cho
biết: "Con tôi năm học tới sẽ vào lớp chồi. Năm trước, chưa tăng học phí
mỗi tháng đã mất hơn một triệu đồng tiền đi học rồi. Năm nay học phí
lại tăng còn tốn hơn nữa. Xăng tăng, học phí tăng, cái gì cũng tăng giá,
khó khăn quá!".
Mức học phí vừa được HÐND thành phố Hồ Chí Minh
thông qua được chia thành hai nhóm: Nhóm 1 đối với học sinh có gia đình
sống ở các quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình
Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Ðức và Bình Tân). Nhóm 2
đối với học sinh có gia đình sống ở các huyện ngoại thành (Bình Chánh,
Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè). Mức học phí được điều chỉnh áp dụng
cho năm học 2013-2014 tăng từ ba đến sáu lần so với mức học phí cũ. Cụ
thể, mức học phí ở bậc nhà trẻ:
90 nghìn đồng/tháng (nhóm 2) và
150 nghìn đồng/tháng (nhóm 1) (mức cũ: 30 và 50 nghìn đồng); mẫu giáo:
60 và 120 nghìn đồng/tháng (mức cũ: 20 và 40 nghìn đồng); THCS: 60 và 75
nghìn đồng/tháng (mức cũ: 10 và 15 nghìn đồng); THPT: 75 và 90 nghìn
đồng/tháng(mức cũ: 25 và 30 nghìn đồng); bổ túc THCS: 90 và 112 nghìn
đồng/tháng (mức cũ: 35 và 45 nghìn đồng); bổ túc THPT: 112 và 135 nghìn
đồng/ tháng (mức cũ: 45 và 65 nghìn đồng).
Giám đốc Sở Giáo dục
và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết: Việc điều chỉnh học phí
thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NÐ-CP của Chính phủ quy định về
miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học
phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Những năm
qua, thành phố thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh
khó khăn, con em gia đình chính sách. Ngoài ra, còn các chương trình hỗ
trợ, trao học bổng cho những học sinh vượt khó nhằm thực hiện không để
bất cứ học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Mức học
phí điều chỉnh đợt này đã được nghiên cứu kỹ. Từ năm 2008 đến nay, lương
được điều chỉnh nhiều lần, vì vậy tôi cho rằng mức điều chỉnh học phí
là hợp lý. Tuy nhiên do nhiều năm, thành phố không đổi mới cơ chế thu
theo từng năm cho nên việc điều chỉnh học phí lần này có phần đột ngột
và ảnh hưởng nhất định tới người dân.
Mức học phí được áp dụng
đã bao gồm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh và được điều chỉnh tăng các
năm học sau, theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế
hoạch và Ðầu tư thông báo. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, một trong
những lý do điều chỉnh học phí là học phí hiện tại thấp, không ít nhà
trường, nhất là các trường phổ thông công lập thực hiện những khoản thu
khác, tạo ra tình hình phức tạp, thiếu minh bạch trong cơ cấu tài chính
nhà trường. Nhiều người hy vọng với việc áp dụng mức học phí mới tình
trạng lạm thu đầu năm học không còn tái diễn.
Phục vụ cho tổ chức hoạt động giáo dục
Nhiều
ý kiến cho rằng, mức học phí hiện hành là quá thấp so với mặt bằng thu
nhập của xã hội. Vì thế, các trường không thể phát huy cơ chế tự chủ tài
chính, đầu tư phát triển, đổi mới hoạt động giáo dục theo yêu cầu đặt
ra. Qua tìm hiểu, nhiều trường mong muốn, mức học phí mới sẽ được sử
dụng đầu tư cơ sở vật chất và phục vụ cho hoạt động chuyên môn. Hiệu
trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (quận 1) Cao Ðức Khoa cho biết: "Mỗi
khi vào đầu năm học mới, việc sửa chữa lại phòng ốc phục vụ cho học tập
đã rất tốn kém chưa kể đầu tư cho trang thiết bị. Giá cả mỗi lúc mỗi
tăng, các trang thiết bị dành cho hoạt động trong nhà trường cũng tăng.
Trong khi kinh phí hạn hẹp đã làm cho nhà trường thiếu trước hụt sau.
Nếu như tăng học phí, nhà trường sẽ đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ cho việc học và dạy tốt hơn".
Theo UBND thành
phố Hồ Chí Minh, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo hiện nay lên hơn
26% ngân sách chi thường xuyên hằng năm của thành phố. Thành phố luôn
quan tâm đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, phần lớn đã dành
chi cho con người (hơn 80%), vì vậy hạn chế phần chi hoạt động và cơ sở
vật chất. Kinh phí phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập và quản
lý... hạn chế để đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nâng
cao chất lượng dạy và học. Giám đốc Sơn cho biết: "Việc tăng học phí để
các cơ sở giáo dục bổ sung kinh phí cho việc tổ chức hoạt động giáo dục
tại nhà trường. Các hoạt động này không chỉ giúp các em phát triển học
lực, đạo đức, kỹ năng sống. Chúng tôi sẽ có tờ trình và ra hướng dẫn cụ
thể tới các trường. Chúng tôi mong muốn khi thực hiện thông qua học phí
mới song không cắt giảm ngân sách để tổ chức các hoạt động giáo dục tốt
hơn".
Khi chúng tôi đặt vấn đề, tình trạng khó khăn về cơ sở vật
chất tại một số quận, huyện có được giải quyết sau khi điều chỉnh học
phí, Giám đốc Sơn cho rằng, nhiều năm được thành phố quan tâm, từ thành
phố, các quận, huyện chi một khoản rất lớn cho giáo dục. Mỗi năm, có hơn
1.000 phòng học xây mới. Tuy nhiên dân số cơ học tăng cao, kéo theo
lượng học sinh tăng lên hằng năm rất đông cho nên một số quận, huyện còn
áp lực sĩ số học sinh. Chúng tôi muốn giảm sĩ số học sinh/lớp học và
tăng thời gian học hai buổi/ngày nhưng chưa làm được.
TP Hồ Chí
Minh là một trong những nơi điều chỉnh học phí theo Nghị định số
49/2010/NÐ-CP của Chính phủ muộn so với các địa phương trong cả nước.
Việc điều chỉnh học phí ít nhiều ảnh hưởng đến người dân. Vấn đề đặt ra
là việc điều chỉnh học phí đi cùng với nâng cao chất lượng giáo dục?
-----------------------------------------------