Giống
như Việt Nam, Trung Quốc những ngày này cũng đang “vào vụ” thi
cử - một kỳ thi gay cấn và khắc nghiệt để giành vé vào giảng
đường Đại học. Với số dân hơn 1 tỷ người, mỗi năm, Trung Quốc
có hàng triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học. Năm
nay, con số này tăng lên mức kỷ lục là 6,99 triệu sinh viên, tăng
2,8% so với năm 2012. Điều này khiến nhiều sinh viên tiêu tan hy
vọng tìm việc làm.
Ra đi để tìm kiếm cơ hội
Liu Xiaohong lên một chuyến tàu đi Bắc Kinh từ Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm.
Đoàn tàu đông đúc và có nhiều gương mặt trẻ. Liu tin rằng,
giống như cô, họ cũng là những sinh viên vừa tốt nghiệp, đang
trên đường đến Bắc Kinh để tìm kiếm cuộc sống mới nhưng chưa
biết sẽ thế nào. Đây là lần thứ ba kể từ tháng 11-2012, Liu,
vừa tốt nghiệp Đại học Cát Lâm ngành thiết kế đồ họa, đến
Bắc Kinh. Liu chọn ngành thiết kế đồ họa 4 năm trước vì vào
thời điểm đó, đây là một ngành đầy triển vọng nhưng nay đã
khác”.
Sinh viên Trung Quốc tham gia một hội chợ việc làm ở Bozhou, tỉnh An Huy. |
Không hài lòng với công việc
Suy thoái kinh tế gây áp lực rất lớn đối với sinh viên tốt
nghiệp. Kết quả là, tỷ lệ hài lòng với công việc rất thấp.
Wang Zengtian, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) Đại
học Cát Lâm, là một người như thế. Sinh ra trong một gia đình
nông dân ở Nanyang, tỉnh Hà Nam, Wang tuyên bố thay đổi số mệnh
từ những ngày đầu tiên bước vào trường đại học. Wang nhắm mục
tiêu một Cty CNTT đa quốc gia, từng tuyển dụng một số sinh viên
tốt nghiệp năm ngoái. Là một trong những học sinh đứng đầu
lớp, Wang tin rằng mình sẽ có một cơ hội. Tuy nhiên, Cty giảm
chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, từ 20 sinh viên năm 2012
xuống còn 6 sinh viên trong năm nay. Đối với Wang, đó thực sự
là cú sốc lớn. Thậm chí, anh còn nghi ngờ về giá trị bản
thân mình. Wang gửi hồ sơ đến nhiều Cty và tham dự nhiều hội
chợ việc làm. Cuối cùng, anh cũng tìm được công việc tại một
ngân hàng, sau khi vượt qua các vòng lựa chọn nghiêm ngặt.
Li Yang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn nghề nghiệp tại Đại học Nông
nghiệp Trung Quốc, cho biết, ông nhận thấy một sự thay đổi
trong mô hình tuyển dụng. “Nhiều Cty lớn đang hợp tác với
trường chúng tôi đã cắt giảm đáng kể hạn ngạch tuyển dụng do
suy thoái kinh tế”, ông nói.
Thông thường, hội chợ việc làm trong khuôn viên trường được tổ
chức vào tháng 5. “Mỗi năm, khoảng 65% sinh viên tốt nghiệp của
trường chúng tôi chọn làm việc ở Đông Bắc Trung Quốc, vì vậy
phát triển kinh tế khu vực đóng một vai trò quan trọng trong kế
hoạch việc làm của chúng tôi”, ông nói.
Nhưng năm nay, nhiều Cty trong khu vực nộp đơn xin phá sản. Nhiều
doanh nghiệp Nhật Bản cũng cắt giảm số nhân viên, do đó nhiều
sinh viên ra trường không tìm được việc làm.
Sự chênh lệch giữa cung và cầu
Những người trẻ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với
áp lực công việc khó khăn trong 5 năm tới, với số lượng sinh
viên tốt nghiệp đại học hàng năm ở vào khoảng 7 triệu người.
Bên cạnh suy thoái kinh tế, sự chênh lệch giữa cung và cầu
cũng làm trầm trọng thêm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp. Nhiều Cty
có trụ sở tại khu vực phía Tây kém phát triển thất bại trong
việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu việc làm, vì một số lượng lớn
sinh viên kỳ vọng làm việc ở các thành phố lớn, trong các
doanh nghiệp nhà nước và chính phủ. Hội chợ việc làm tại
Trung tâm thể thao công nhân Bắc Kinh được tổ chức 4 ngày/ tuần,
suốt cả năm, chủ yếu là thu hút các Cty nhỏ và vừa. Tuy nhiên,
hội chợ luôn trong tình trạng vắng vẻ. Cui Jinjin, quản lý nhân
sự tại một Cty bất động sản ở Bắc Kinh, cho biết, “Tiền lương
trả sinh viên mới tốt nghiệp không thấp hơn so với nhân viên văn
phòng, nhưng họ cảm thấy, công việc không xứng với một sinh viên
tốt nghiệp đại học”, Cui nói.
Nhiều doanh nghiệp thích tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp,
nhưng đối tượng này yêu cầu quá nhiều điều, về tiền lương, y
tế, xã hội và cơ hội trong tương lai... thay vì thể hiện sự
sẵn sàng và niềm đam mê đối với Cty.
Cần cải cách hệ thống giáo dục
Trước tình hình này, chính quyền trung ương đưa ra các chính
sách và biện pháp để thúc đẩy việc làm, chẳng hạn như tăng
số lượng việc làm trong các vùng phía Tây và khuyến khích các
hoạt động kinh doanh.
Yang Weiguo, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Việc làm Trung Quốc,
cho rằng đây là một sự thất bại trong hệ thống giáo dục đại
học. Theo ông Yang, cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đang ở mức
tương đối thấp trong khi lại có quá nhiều lao động trình độ
đại học. Tuy nhiên, Tang Min, Phó Giám đốc Tổ chức Doanh nghiệp
Xã hội Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết, các
biện pháp này chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn. Về lâu về
dài, vấn đề chỉ được giải quyết bằng biện pháp cải cách hệ
thống giáo dục đại học.
-----------------------------------------------