Cái hay đầu tiên là sự cập nhật những vấn đề thời sự nóng hổi mà lại có tính giáo dục cao.
Có bạn đọc bảo tôi: “Ông là nhà thơ. Nhà thơ tơ lơ mơ. Sao không làm thơ, không bàn về cái tơ lơ mơ
mà lại cứ mất thời gian về những chuyện đâu đâu ấy. Mà rồi không khéo
còn bị mang vạ vào thân nữa?” Ô hay! Đây là Blog tòa soạn của VOV. Blog
bàn về những vấn đề nổi cộm của xã hội, một bức tranh nhiều màu về kinh
tế, văn hóa, xã hội…, chứ đâu có phải là cái chiếu thơ! Nếu muốn đọc thơ
thì phải tìm đọc ở những chỗ khác chứ! Cụ Hồ bảo: “Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Khi nhà thơ “xung phong” thì nhà thơ thành lính trận rồi, chứ đâu có
tơ lơ mơ nữa. Ngay cả chính nhà thơ lớn Xuân Diệu, một ngài tơ lơ mơ nhất, “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió – Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”,
ngoài trăng sao, mây gió, ông không có gì hết: Chức vụ, nhà cửa, tài
sản, vợ con…, một thi sĩ “toàn tòng”, sống trọn vẹn với thơ, mà rồi còn
phải khẳng định: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Thế thì có lạ chi khi nhà thơ bàn về cơm áo? Xuân Diệu còn quả quyết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi – Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”. Nhà thơ là đại diện cho dân. Sướng khổ cùng dân.
Các cụ ta xưa cũng bảo: “Buồn từ trong dạ buồn ra – Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về”.
“Buồn từ trong dạ buồn ra” là cái buồn cá nhân, là chuyện riêng tư, ai
cũng có. Nhưng “buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về” là cái buồn của thi sĩ
đấy. Buồn nỗi buồn của dân. Nỗi buồn của thiên hạ. Cái kiếp thi sĩ thế
đấy. Trời ban cho họ sự nhạy cảm hơn người. Người ta chưa nóng thì mình
đã nóng. Người ta chưa lạnh mình đã lạnh. Tôi tin câu ca dao này cũng
khởi nguồn từ một nữ thi sĩ: “Lạnh lùng sao láng giềng ơi – Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều”. Bởi thế, nhiều văn nghệ sĩ đã thành nhà tiên tri, đi trước thời đại.
Cũng có người còn bảo tôi: “Sao ông cứ luẩn quẩn trong mấy cái chuyện
giáo dục thế?”. Khổ! Tôi là phụ huynh học sinh, có hai cô con gái đều
là học sinh phổ thông. Phụ huynh không quan tâm đến việc học hành của
con cái thì còn quan tâm đến chuyện gì?
Cô giáo Hiền xinh đẹp cũng vừa chuyển cho tôi nỗi băn khoăn: “Vừa
qua, dư luận đã xôn xao về đề thi yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về
hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam khi đã lao xuống dòng
nước cứu sống năm học sinh bị đuối nước. Ở góc độ giáo dục, sự quan tâm
tìm hiểu của gần một triệu học sinh và cả phụ huynh từ đề nghị luận xã
hội này sẽ là một cách giáo dục trực quan, thời sự và lan tỏa. Đề văn đã
tạo ra những kiến giải đầy tích cực theo hướng “mở” cho học sinh bày tỏ
sự tiếc thương, niềm cảm phục, và cả những bài học về sự hoàn thiện
nhân cách sống, lòng dũng cảm. Ở đó lòng nhân hậu, sự quả cảm quên mình
mang lại cho cuộc sống những điều thật tốt đẹp, định hướng cho giới trẻ
loại bỏ dần sự ích kỷ để hướng đến cộng đồng - “Sống là cho đâu chỉ nhận
riêng mình” (Tố Hữu).
Tuy nhiên, vẫn còn có một số ý kiến trái chiều: “Đề văn rất hay nhưng
có chút gì đó buồn quá. Vẫn còn những điều trăn trở từ chính sự hi sinh
đầy ý nghĩa của Nam (nhân vật trong câu 2, đề thi tốt nghiệp THPT môn
ngữ văn 2013). Nam cứu được nhiều em nhỏ, nhưng mang lại cho cha mẹ nỗi
đau mất con. Chúng ta ngợi ca, nêu gương về lòng dũng cảm của Nam nhưng
có hướng các em sẽ làm như Nam trong hoàn cảnh tương tự không?”. Đó là
những góc nhìn khác nhau của mỗi người. Còn riêng anh, anh có góc nhìn
như thế nào qua đề thi văn năm nay?”
Góc nhìn của tôi ư? Đấy là một đề văn hay. Rất hay chứ sao? Cũng có
thể nói đó là một nét mới, nhưng không xa lạ của Bộ Giáo dục mà đã từ
lâu rồi, rất lâu rồi, bây giờ tôi mới thấy lại. Bộ Giáo dục cần ủng hộ
và đi theo hướng này.
Cái hay đầu tiên là sự cập nhật những vấn đề thời sự nóng hổi mà lại
có tính giáo dục cao. Chương trình văn trong sách giáo khoa phải là
những vẻ đẹp ổn định có tính vĩnh cửu. Đó là những áng văn chuẩn về cả
nghệ thuật và nội dung, đề cập đến tình yêu nước, những cảnh sắc quê
hương, tình yêu bố mẹ, thày cô, bạn bè. Rồi những chuyện từ nhà đến
trường. Những tác phẩm tiêu tiểu của văn học cổ điển, văn học đương đại
mà các em cần phải biết. Dẫu sao, đấy vẫn là những vẻ đẹp đã qua thử
thách của thời gian và đã ổn định. Đưa vào nhà trường dạy các em phải là
những tác phẩm kinh điển như thế. Không thể bắt sách Giáo khoa cứ thay
đổi xoành xoạch, chạy theo các bài báo hàng ngày. Bám riết các sự kiện
có tính báo chí sẽ rất chóng cũ. Vì sự kiện diễn ra hàng ngày. Sự kiện
qua rồi thì vấn đề cũng đã qua. Sách Giáo khoa cần tính ổn định.
Tuy thế, chương trình văn lại không thể khô cứng, đóng băng như ao tù
nước đọng, mà phải mở và mở không ngừng, liên tục, để cập nhật cái mới.
Giải quyêt vấn đề này chính là những đề văn ra cho học sinh làm tại
lớp, làm khi thi tốt nghiệp Phổ thông và cả khi thi vào các trường Đại
học. Cần cập nhật những vấn đề nóng hổi, để môn văn không còn là một môn
học khô cứng, cũ kỹ.
Dạy văn là dạy cho học sinh cách cảm thụ văn chương, nghĩa là trao
cho các em các phương pháp tư duy, hướng các em tiếp cận, làm quen với
công việc nghiên cứu, khám phá, chứ không biến các em thành những con
vẹt, chỉ biết nhắc lại lời thày cô nói trên lớp. Sẽ rất chán nếu cứ học
gì, nói thế. Năm nào đề thi cũng chỉ loanh quanh trong mấy tác phẩm, học
sinh sẽ rất dễ nản, mà tư duy sẽ không thể khá được. Rời khỏi trang
sách là chẳng còn biết gì nữa. Đấy là thảm cảnh của ngành giáo dục ta
hiện nay.
Muốn cải thiện điều đó, cần bắt đầu từ việc thi cử. Học A, học B,
nhưng lại thi C. Làm như thế, học sinh sẽ rất năng động, tránh sự nhàm
chán, cũ kỹ, sẽ chấm dứt vĩnh viễn những chuyện phao thi vứt trắng sân
trường, hay việc chép những bài văn mẫu khô cứng. Làm sao các em học hết
phổ thông là đã có thể sống độc lập được. Em nào có khả năng thì học
tiếp lên nữa. Muốn thế cách dạy, cách học phải khác. Cách thi cũng vậy.
Vì thế, tôi đánh giá cao đề thi tốt nghiệp phổ thông năm nay.
Tấm gương em Nam cần được học tập. Cần hướng các em theo tấm gương em
Nam. Sẽ rất kinh khủng nếu xã hội dửng dưng, vô cảm. Việc em Nam hy
sinh là chuyện rủi ro. Khi quên mình lao xuống dòng lũ xiết, tôi tin em
Nam không nghĩ mình sẽ chết. Nếu chết thì làm sao còn cứu được bạn?
Nhiều em cũng cứu được bạn mà có phải trả giá bằng tính mạng mình đâu.
Đây là sự rủi ro. Sự hy sinh cao cả của em Nam, càng làm em đẹp hơn. Em
rất xứng đáng được chúng ta, không phải chỉ học sinh mà cả người lớn nữa
cũng cần phải học tập và noi theo. Đề thi về em Nam cứu bạn rất hay
cũng vì thế.
Đây là một đề mở. Lối ra đề này không có gì lạ cả. Hồi tôi đi học, đề
văn toàn ra theo hướng mở thế này. Ví như bình luận một câu nói của anh
hùng Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Hồi đó, anh Lê Mã Lương vừa được tuyên dương anh hùng thì Bộ Giáo dục
đã có ngay đề thi về anh. Chuyện chiến đấu của anh Lương đâu đã kịp có
trong sách giáo khoa. Hay đề thi văn chỉ vèn vẹn có mấy chữ: “Văn học
chắp cánh tâm hồn anh, chị.” Nhìn sang các nước bạn, đề thi họ ra cũng
như thế. Rất tuyệt vời. Ví như đề thi tốt nghiệp phổ thông ở Tứ Xuyên
Trung Quốc: “Văn hào Lỗ Tấn nói: “Trên mặt đất không có đường. Cứ đi mãi rồi thành đường”. Nhưng đời sau, có người lại nói: “Trên mặt đất đã có đường, nhưng rồi cứ đi mãi thì cũng không thành đường”.
Em hãy viết một bài luận, bàn về con đường và cách đi. Bài viết không
quá 800 chữ”. Phải nói đề thi văn như thế là tuyệt vời. Rất hay và sâu
sắc. Với những đề thi như thế, mọi phao thi, hay những bài văn mẫu đều
vô nghĩa.
Vì thế, tôi mới bảo, đề thi văn năm nay rất hay. Ra đề theo kiểu này
là chúng ta trở lại với sự nghiệp giáo dục đúng đắn, với vẻ đẹp của
ngành giáo dục mà chúng ta đã từng có từ những thuở xa xưa…/.
-----------------------------------------------