Đội chủ sân Emirates gặp rất nhiều
khó khăn vì chấn thương vào giai đoạn quan trọng của mùa giải. Một
nghiên cứu mới đây chỉ ra đó không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Premier Injuries, một công ty chuyên nghiên cứu về các loại hình chấn
thương đã cung cấp những dữ liệu về số ca chấn thương của các CLB trong
khoảng 10 năm trở lại đây. Kết quả cho thấy Arsenal là đội dẫn đầu ở
Ngoại hạng Anh.
Trong 11 mùa giải được thống kê từ 2003-2004 đến 2013-2014, các “pháo
thủ” thành London phải nhận 312 ca chấn thương nghiêm trọng, tức là chấn
thương phải nghỉ thi đấu từ 10 ngày trở lên. Con số này vượt trội so
với các kình địch của thầy trò Wenger, hơn Chelsea 100 ca. Quan trọng
hơn, có đến 10 trong số 11 mùa giải số ca chấn thương của Arsenal cao
hơn mức trung bình của giải đấu hàng đầu nước Anh.
Cầu thủ đau đớn trên sân là điều thường thấy ở Arsenal.
|
Tình cảnh này có vẻ như vẫn đang tiếp diễn ở sân Emirates trong năm
nay. Tính từ đầu mùa giải mới đến nay, bệnh viện của Arsenal phải đón
nhận 25 ca chấn thương, nhiều nhất trong các đội bóng của Ngoại hạng
Anh. Trong một thập kỷ từ mùa giải 2004/2005 đến nay, các cầu thủ
Arsenal mất đến 13161 ngày “ngồi chơi xơi nước” vì chấn thương, chỉ kém
mỗi Newcastle với 13344 ngày.
Trong khi đó, các cầu thủ Chelsea chỉ phải nghỉ 7217 ngày, bằng phân
nửa thống kê của Arsenal. Các đối thủ trong nhóm dẫn đầu như Liverpool,
mất 9287 ngày, Man City (10053) và Everton (10530) đều có số ngày vắng
mặt khiêm tốn hơn nhiều so với thầy trò Arsene Wenger. Tottenham và Man
Utd có số ngày vắng mặt vì chấn thương khá cao với số thống kê tương ứng
là 12050 và 11833 ngày, nhưng vẫn phải chào thua Arsenal.
Ở mùa giải năm nay, nếu tính số ca chấn thương nghiêm trọng, Arsenal
xếp sau Newcastle và Man Utd. Còn nếu tính số ngày nghỉ do chấn thương,
Arsenal vẫn “giữ vững phong độ” với 874 ngày, nhiều nhất Ngoại hạng Anh.
Trong khi con số này bên phía Chelsea, đội đang dẫn đầu bảng chỉ là 256
ngày.
Đã có muôn vàn câu hỏi được đặt ra cho đội ngũ y tế của Arsenal, thậm
chí CLB này còn phân tích cả mặt sân Emirates để đi tìm nguyên nhân của
những chấn thương liên tiếp xảy ra với cầu thủ. Mới đây, ban huấn luyện
của đội bóng đã phải giải trình trước các cổ đông về vấn đề này.
Premier Injuries cũng chỉ ra rằng chấn thương của các cầu thủ Arsenal
chủ yếu là chấn thương cơ, ngoài ra, các cầu thủ như Giroud hay Wilshere
thường bị “ốm vặt”, họ dính những chứng bệnh không thường gặp.
Những nghi vấn chủ yếu được đặt vào phương pháp huấn luyện ở Arsenal.
Raymond Verheijen, cựu bác sĩ trị liệu người xứ Wales khẳng định ở
Arsenal có “những giáo án đe dọa sự nghiệp cầu thủ”. Trong khi đó, một
cựu cầu thủ Arsenal tiết lộ với tờ Telegraph rằng phương pháp
tập luyện của Wenger chú trọng vào những buổi tập ngắn nhưng khốc liệt
có thể là nguyên nhân gây hại cho thể lực của các học trò.
Abou Diaby, bệnh nhân lâu năm nổi tiếng của Arsenal. Ảnh: EPA.
|
“Các cầu thủ ngày nay cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và cần có giáo án
riêng cho mỗi người nhưng Arsene chỉ dùng những phương pháp mà ông ấy
tin tưởng”, cầu thủ giấu tên này cho biết.
Một số nhận xét khác cho rằng Wenger nên chú trọng việc xoay tua đội
hình hơn và thận trọng khi để một cầu thủ vừa bình phục chấn thương thi
đấu trở lại. Những chấn thương dai dẳng của Wilshere vào năm 2011 cùng
với Giroud và Koscielny năm ngoái là minh chứng cho việc thiếu thận
trọng với các chấn thương chưa bình phục hẳn.
Các chuyên gia cũng chỉ trích Arsene Wenger là người quá bảo thủ khi
vẫn tiếp tục giữ những bệnh binh lâu năm trong đội hình. Trong số này
phải kể đến Abou Diaby, cầu thủ được mệnh danh là có đôi chân siêu nhạy
cảm. Ngoài ra, Ramsey, Wilshere, Theo Walcott và Kieran Gibbs cũng nằm
trong số này. Nếu cứ cố chấp giữ những “đôi chân thủy tinh”, Arsenal sẽ
không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn xoay quanh sự lặp lại của những ca
chấn thương.
Những bản hợp đồng gần đây của Wenger cũng mang đến sự khó hiểu. Yaya
Sanogo phải thường xuyên hứng chịu những chấn thương trước đó trong sự
nghiệp. David Ospina và Kim Kallstrom thậm chí còn được ký hợp đồng khi
vẫn đang “nằm viện”.
Ngoài ra, phong cách chơi bóng kỹ thuật của Arsenal cũng được xem là
một nguyên nhân dẫn đến chấn thương của các cầu thủ. Vào mùa giải
2007/2008, Wenger từng tỏ ra giận dữ khi nói về vấn đề này: “Hãy hỏi tất
cả các cầu thủ từng chơi bóng ở đây, hỏi Vieira hay Petit, hỏi xem họ
có phải nhận những pha vào bóng có chủ đích, những cú đá để khiến họ rời
sân, và họ sẽ trả lời là có. Hãy nhìn những cầu thủ mà chúng tôi mất,
Diaby, bị phạm lỗi từ phía sau Rosicky, bị cố ý phạm lỗi, Eduardo, bị cố
ý phạm lỗi, Walcott, bị cố ý phạm lỗi. Adebayor và Sagna dính chấn
thương vì bị cố ý phạm lỗi”.
Theo thống kê của Opta, Arsenal là đội phải nhận nhiều pha tắc bóng
nhất ở Ngoại hạng Anh mùa giải này. Các “pháo thủ” cũng xếp thứ tư trong
danh sách bị phạm lỗi nhiều nhất.
Wenger thường xuyên phàn nàn về chấn thương của các cầu thủ nhưng tốt hơn thì ông nên tìm cách khắc phục điều này. Ảnh: AP.
|
Thực tế thì Wenger đã bớt phàn nàn hơn về những chấn thương ở mùa giải
này, thay vào đó, ông tìm phương án để khắc phục. Arsenal đã tuyển dụng
Shad Forsythe, một chuyên gia thể lực của đội tuyển Đức tại World Cup.
Thay đổi cũng đến trên sân tập, ban lãnh đạo sẵn sàng đáp ứng những đòi
hỏi về cơ sở vật chất hay các thiết bị hỗ trợ. Arsenal cũng đang lên kế
hoạch xây dựng một trung tâm y tế mới trong khu tổ hợp London Colney,
hiện đại bậc nhất Ngoại hạng Anh.
Tất nhiên, những thay đổi không thể đến trong một sớm một chiều. Một
vài nguyên nhân kể trên là những điều có thể khắc phục và ban lãnh đạo
Arsenal đang hướng sự quan tâm nhiều hơn đến chuyện sức khỏe của các cầu
thủ
-----------------------------------------------------------------------------------