Đại diện nhiều trường cho rằng trong đợt tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, việc chấm thanh tra chẳng những không thực sự cần thiết mà còn khiến công tác tổ chức kỳ thi thêm nặng nề
Kỳ thi tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các
trường thành lập ban chấm thanh tra trực thuộc hội đồng tuyển sinh của
trường, có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 5% bài thi của mỗi
môn tự luận. Tuy nhiên, việc thành lập ban chấm thanh tra đang gây không
ít khó khăn cho các trường.
Tốn công, tốn của
Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường CĐ Kinh tế Đối
ngoại, năm nay, trường có 18.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Như vậy,
5% bài thi của 2 môn tự luận văn và toán phải xấp xỉ 10.000 bài. Số
lượng bài phải chấm thanh tra lớn như vậy nên trường dự kiến thành lập
ban chấm thanh tra độc lập với ban chấm bình thường, dự kiến 16 người/2
môn. Ngoài ra, phải có trưởng ban, thư ký ban, bố trí phòng ốc… để hoạt
động nên việc này khá phức tạp, tốn kém.
Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên,
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường thành lập ban chấm
thanh tra bao gồm những giảng viên có uy tín, kinh nghiệm, chủ nhiệm bộ
môn…, chấm song song với tiến độ chấm thi bình thường. Nếu 100 bài thi
được chấm xong thì ban chấm thanh tra sẽ bốc thăm chấm 5-10 bài. Theo
ông Đức, số lượng bài chấm thanh tra các môn tự luận sẽ rất lớn vì
trường có đến 28.000 TS đăng ký dự thi, dự kiến ban chấm thanh tra phải
gồm 10-15 người.
Chấm thi trong kỳ thi ĐH, CĐ 2012 tại ĐH Sài Gòn. Ảnh: TẤN THẠNH
Tại Trường Tài chính Marketing, ông Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng Đào
tạo, cũng cho biết các năm trước, trường đã tiến hành chấm thanh tra
ngẫu nhiên. Tuy nhiên, năm nay, với số lượng bài thi phải chấm thanh tra
chiếm đến 5%, trường sẽ chấm cuốn chiếu cho kịp tiến độ. Các túi bài
thi đã chấm xong được chuyển cho ban chấm thanh tra độc lập và ban này
sẽ bốc thăm từng túi để chấm. Với công việc khá nặng, trường phải thành
lập tổ trưởng, quản lý chấm thanh tra…
“Thù lao cho giảng viên chấm thanh tra phải trả ít nhất bằng với giáo
viên chấm bình thường. Do đó, kinh phí phát sinh khá lớn vì trường có
đến 22.000 TS đăng ký dự thi” - ông Tuấn băn khoăn.
Áp lực lớn
Đại diện các trường cho rằng việc thành lập ban thanh tra chấm thi có
thể giúp giáo viên chấm cẩn trọng hơn trong chuyên môn nhưng điều này
cũng gây nhiều áp lực. Theo ông Vũ Văn Hòa, quy chế tuyển sinh yêu cầu
các trường phải hoàn tất việc chấm thi, công bố điểm trước ngày 5-8. Với
số lượng bài chấm thanh tra lớn như vậy, năm nay, việc chấm thi của
giáo viên sẽ rất vất vả mới kịp tiến độ.
Ông Tạ Quang Lâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho
rằng việc chấm thanh tra có thể gây ra sự phân biệt giữa giáo viên chấm
thường và chấm thanh tra, trong khi tư cách của họ vẫn như nhau.
Theo ông Vũ Văn Hòa, các năm trước không chấm thanh tra, trường cũng
chỉ có khoảng 100 trường hợp yêu cầu chấm phúc khảo và kết quả thường
không chênh lệch. Điều đó chứng tỏ kết quả chấm thi thường đã chính xác.
“Bộ yêu cầu chấm thanh tra thì phải thực hiện nhưng quả thật là gây
thêm gánh nặng cho trường” - ông Hòa nói.
Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cũng nhận định việc
thành lập ban chấm thi hiện chưa đánh giá được hiệu quả nhưng qua nhiều
năm tổ chức thi tuyển sinh và chấm thi, việc thành lập ban này là không
thực sự cần thiết.
-----------------------------------------------