Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm
nay không phản ánh đúng thực chất dạy và học. Nên trả kỳ thi về cho các
địa phương là ý kiến được nhiều chuyên gia đề xuất.
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi
|
Không thực chất
Trao đổi với PV Tiền Phong về kết quả thi tốt
nghiệp THPT năm nay và những năm gần đây, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng
định: “Không phản ánh thực chất”. Theo GS Thuyết, năm có kết quả thi
phản ánh thực chất là năm đầu tiên tổ chức thi theo tinh thần hai không
(năm 2007).
GS Thuyết giải thích: “Thực chất hay không có thể dựa
vào thực tế để đánh giá. Năm 2007, tỉ lệ đỗ tụt hẳn so với những năm
trước nhưng hồi phục rất nhanh. Từ tỉ lệ học sinh đỗ là 66% năm trước,
năm sau đã chín mấy phần trăm. Có những tỉnh năm trước tỷ lệ học sinh
đỗ dưới 20% năm sau đã 80 – 90%. Điều đó rất không bình thường, bởi
không thể có một sự chuyển biến về chất lượng đột ngột như thế. Thứ hai,
tuyển sinh ĐH chỉ diễn ra sau đó có một tháng thôi nhưng kết quả khác
hẳn. Một kỳ thi ĐH có đến hàng nghìn điểm 0 các môn. Điểm sàn tuyển vào
ĐH chỉ có 13”.
GS Văn Như Cương cũng cho rằng, tỉ lệ học sinh đỗ tốt
nghiệp THPT như hiện nay không phản ánh đúng chất lượng dạy học trong
trường phổ thông. “Có tỉnh hầu hết các trường có tỷ lệ học sinh đỗ 100%.
Trong khi đó tại Hà Nội, tỉ lệ học sinh bình quân chỉ đạt hơn 97%, kém
xa nhiều tỉnh, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc. Nếu dựa vào tỉ lệ
đỗ thì chẳng nhẽ học sinh Hà Nội kém hơn học sinh các tỉnh đó?”, GS
Cương nói.
Theo ông Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở
GD&ĐT Nghệ An, ở tỉnh này kỳ thi năm nay có biểu hiện nghiêm túc hơn
trước, vì vậy tỉ lệ đỗ giảm 2-3 % dù đề thi được đánh giá là dễ hơn. Dù
thế, kết quả đỗ 96,88% của Nghệ An liệu đã thực chất?.
Nên trả kỳ thi về cho các tỉnh
Nhiều nhà giáo cho rằng, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT
hiện rất bài bản, hoành tráng, nhưng lãng phí trong khi mục tiêu đánh
giá thực chất chất lượng học sinh không được đáp ứng. Tuy nhiên, nhiều
người cho rằng, không nên lặp lại sai lầm trước đây là bỏ thi tốt nghiệp
THCS nay lại bỏ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Đức, chỉ nên tổ chức thi
gọn nhẹ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam
Định, thì nên mạnh dạn trao quyền cho các cơ sở giáo dục, để cho các cán
bộ quản lý thấy rõ được cái trách nhiệm của mình để tập trung chỉ đạo
dạy thật tốt, học thật tốt. Cái đó là cái thực chất nhất, không phải chỉ
thông qua kỳ thi người ta mới dạy thực học thực.
“Bỏ
thì khó nhưng có thể phân cấp cho các địa phương, các trường đánh giá.
Đừng làm quy mô toàn quốc thế này nó gây sức ép rất căng thẳng cho xã
hội. Vừa tốn kém, mệt mỏi, vừa bức xúc”.
TS Trịnh Ngọc Thạch
|
TS Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận xét: “Kỳ thi tốt nghiệp
THPT là để đánh giá chất lượng học sinh trong một giai đoạn nên chúng ta
không cần làm quy mô lớn thế này. Nên để cho các tỉnh, các trường đánh
giá cả quá trình dạy học. Kết thúc lớp 12 bằng kiểm tra, đánh giá nhẹ
nhàng. Bàn việc bỏ hay không bỏ kỳ thi nên thận trọng. Bỏ thì khó nhưng
có thể phân cấp cho các địa phương, các trường đánh giá. Đừng làm quy mô
toàn quốc thế này nó gây sức ép rất căng thẳng cho xã hội, vừa tốn kém,
mệt mỏi, vừa bức xúc”.
GS Văn Như Cương cũng đồng tình quan điểm đưa kỳ thi về
cho các địa phương và các trường tổ chức. Không nhất thiết thi cùng đề,
cùng ngày…, thậm chí không nên thi đồng loạt một lúc nhiều môn mà thi
lần lượt, học xong môn nào thi môn đó.
“Chẳng nước nào học 12 môn/ tuần như của ta cả. Họ chỉ
cho học sinh học 6-7 môn trong một giai đoạn, học hết môn này chuyển
sang môn khác”, GS Cương nói.
-----------------------------------------------