Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

“Nướng” tiền hỗ trợ chính sách

Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo không đạt hiệu quả do nhiều hộ còn ỷ lại, chây lười, vô tư lấy tiền nhà nước giúp đỡ đi nhậu nhẹt, mua sắm...

Xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nằm cách TP Thanh Hóa hơn 200 km. Đường sá chỉ là những lối mòn do dân tự mở nên học sinh (HS) muốn theo được con chữ chỉ còn cách dựng lều, lán bằng tre nứa tạm bợ trên sườn núi. Dù nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng HS ở đây vẫn bữa đói bữa no.

Học sinh bán trú của Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa
trong căn lều trọ học tuềnh toàng.
Cha mẹ sắm xe máy, ti vi;con ăn rau rừng
Vừa tan lớp, Vàng A Phử, HS lớp 8A Trường THCS Mường Lý, chạy vội về căn lều trọ học tuềnh toàng nằm cheo leo bên sườn núi. Quăng mấy quyển sách trên tay, Phử lao ngay vào nồi cơm nguội bốc vài miếng cháy còn sót lại tối qua, ăn ngấu nghiến. "Em hết gạo rồi. Ăn tạm cho đỡ đói rồi chiều lên rừng kiếm rau về dùng" - Phử hồn nhiên.
Chúng tôi đang hỏi chuyện Phử thì Vàng Thị Lý, học sau một lớp, người nhỏ thó, đen nhẻm, lếch thếch về căn lều, trên tay cầm một mớ rau rừng. Quần áo Lý đã bạc phếch, đôi dép tổ ong rách nát được buộc chằng chịt dây nhợ...
Cũng như Phử và Lý, gần 100 HS ở Trường THCS Mường Lý luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Vậy mà Vàng A Dư (học lớp 6, nhà thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ) đi đâu cũng lăm lăm trên tay chiếc điện thoại. "Bố mẹ em có mấy cái điện thoại dùng hết tiền vứt ở nhà. Đợi lúc bố mẹ lên rẫy, em lấy xuống đây nghe nhạc cho đỡ buồn" - Dư khoe.
Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu phó Trường THCS Mường Lý, cho biết để tạo điều kiện cho con em vùng cao được đến trường, Chính phủ đã hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng/HS (thông qua Nghị định 49 - năm 2010) và hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu (Quyết định 85 - năm 2010) cho HS bán trú. Trung bình, mỗi HS sẽ được trợ cấp 420.000 đồng/tháng, tức được 3.780.000 đồng/năm học.
"Trong năm học 2011-2012, chỉ tính riêng tiền trợ cấp hằng tháng cho các em, nhà trường đã chi trả hơn 1 tỉ đồng, chia làm 2 đợt. Nhận được tiền, phụ huynh không chăm lo cho con cái ăn học mà dùng để mua xe máy, sắm điện thoại, ti vi…" - thầy Hà lo ngại.
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, thở dài: "Toàn xã có gần 70% hộ nghèo. Một số hộ ở vùng cao như bản Xì Lồ miếng ăn còn chưa đủ, nói gì đến có tiền sắm sửa. Vậy mà cứ đầu năm học, người ta lại thấy có hàng chục hộ nghèo "lên đời" mua xe máy, ti vi; còn điện thoại di động thì không kể hết. Nhiều hộ khó khăn hơn còn được hỗ trợ thêm 180.000 đồng/tháng nhưng cứ cầm khoản tiền này trong tay là họ lại đi mua rượu uống hết, chẳng biết lo nghĩ gì đến con cái".
Ngoài Mường Lát, tại các huyện nghèo khác của tỉnh Thanh Hóa như: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân..., 100% HS đều được hưởng trợ cấp như trên.

Bữa ăn của hộ bà Mang Thị Mướp (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chỉ có cơm trộn rau
nhưng chồng bà thì suốt ngày nhậu nhẹt Ảnh: HỒNG ÁNH
Được hỗ trợ vẫn đi... ăn xin
Trong khi đó, tại thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, từ sáng sớm, cả đoàn người kéo đến các bến xe buýt để xuôi về TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để… xin ăn.
Ông Đoàn Văn Tiến (45 tuổi), nhà có 3 con đang ở tuổi lao động nhưng cứ xuống giống xong 2 ha sắn là cứ phó mặt cho trời, ngồi nhà chờ người con út Đoàn Văn Triều mang tiền xin được của thiên hạ về sống. "Ở đây ai cũng vậy mà. Hơn nửa số hộ trong thôn đi xin ăn. Tiền hỗ trợ à? Không đủ mua rượu, có đâu mà đủ sống!" - ông Tiến thản nhiên.
Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Định, nói ông "phát sợ" chuyện xin ăn của các hộ dân xã Xuân Lãnh. "Chúng tôi đã thử dùng đủ biện pháp - từ việc phối hợp với chính quyền huyện Đồng Xuân vận động từng nhà, đến tập trung họ vào trung tâm bảo trợ xã hội - nhưng khi thả họ ra, đâu vẫn vào đấy. Họ xem xin ăn là chuyện đương nhiên" - ông bức xúc.

Đã nhiều năm nhận tiền hỗ trợ nhưng gia đình ông Lê Văn Mên (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)
chỉ dùng mua gạo ăn là chính mà vẫn không đủ Ảnh: Bích Vân
Nghèo vì quá lười!
Ông Hải cũng cho biết tỉnh Bình Định còn 46.000 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 11%. Trong đó, 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão có tỉ lệ hộ nghèo luôn chiếm trên 45%. Dù được nhà nước hỗ trợ đã nhiều năm nhưng một số hộ dân vẫn không thể thoát nghèo vì quá lười. Ở huyện Vân Canh không xảy ra tình trạng ăn xin nhưng người dân cứ ra đường ngồi chống cằm rồi về... uống rượu!
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Tây Giang - một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Nam. Năm 2012, huyện này có 1.211 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 58,25%. Một số người còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách nên ăn nhậu say xỉn tối ngày. Ông A Lăng Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bhallê, đưa chúng tôi đến nhà ông A.L.C - một hộ nghèo với 7 thành viên sống chen chúc trong căn nhà nhỏ. Vợ ông C. phải làm lao động chính trong nhà để nuôi 5 đứa con cùng chồng. "Mỗi lúc có tiền hỗ trợ hộ nghèo, ông ấy nhận là về mua rượu hết. Suốt ngày, ông ấy chỉ biết uống rượu nhưng được cái không đánh vợ, đánh con" - vợ ông C. phân bua.
Theo ông A Lăng Thành, Bhallê có không ít hộ thuộc diện nghèo nhiều năm nhưng không thể thoát nghèo. Riêng gia đình ông C. là hộ nghèo đã 7 năm nay. "Xã đã bó tay với gia đình này. Không có cách nào để giúp họ thoát nghèo bằng chính họ. Vận động mãi, chúng tôi cũng chán!" - ông Thành ngao ngán.
-----------------------------------------------  

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :