Ngay
sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, các trường bắt tay ngay vào công
đoạn dồn túi, làm phách, bắt đầu công tác chấm thi. Một mặt đảm bảo
tuyệt đối khách quan, chính xác; mặt khác thực hiện đúng tiến độ thời
gian theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, hoàn thành trước ngày 31/7.
Nỗ lực bước vào “công đoạn 2”
Thí sinh tự tin với kết quả làm bài |
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các
trường ĐH có tổ chức thi hoàn thành công tác chấm thi chậm nhất là ngày
31/7; sau khi kiểm tra, rà soát chính xác phải công bố công khai trên
trang thông tin điện tử của trường.
Một số trường như ĐH Xây dựng, Học viện
Chính sách và Phát triển … cho biết sẽ bắt đầu tiến hành chấm thi ngay
từ hôm nay (11/7). Cả hai trường này đều hoàn toàn chủ động trong công
tác chấm, không phải thuê giáo viên trường ngoài nên dự kiến hoàn thành
chấm thi sớm.
Trường ĐHSP Hà Nội tiến hành làm phách
ngay sau khi kết thúc mỗi đợt thi nhưng chỉ tiến hành công tác chấm thi
sau khi kết thúc đợt 2. Với trường, tiến độ chấm không phải là vấn đề
đáng lo ngại vì cũng hoàn toàn chủ động trong việc chấm thi, kể cả môn
thi trắc nghiệm và tự luận, đảm bảo, kết quả thi sẽ được công bố trước
31/7 theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, Học viện Ngân hàng sẽ dồn bài
thi của cả hai đợt để cùng chấm, thời gian chấm vào khoảng ngày 17-18/7.
Theo Giám đốc Học viện Tô Ngọc Phương, trường có máy để tự chấm môn
trắc nghiệm nhưng các môn thi tự luận phải nhờ trường bạn. “Mọi năm
khoảng từ 25 trường tiến hành công đoạn kiểm dò và trước 30/7 sẽ hoàn
tất mọi công việc. Trường sẽ công bố công khai điểm thi ngay sau khi
chấm xong.” – ông Tô Ngọc Phương cho biết.
Trường ĐH Thủy lợi tiến hành làm phách
ngay sau khi kết thúc môn thi cuối. Với môn Toán, trường huy động đội
ngũ giảng viên trong trường và một số giáo viên cấp 3 có kinh nghiệm
chấm thi, dự kiến ngoài 20/7 sẽ chấm xong môn thi này. Hai môn Lý, Hóa
trắc nghiệm nên chấm máy, thời gian hoàn thành sẽ nhanh hơn.
Chưa bắt tay ngay vào chấm thi, tại ĐH
Công đoàn – Phó Hiệu trưởng Đinh Thị Mai cho biết, kết thúc môn thi cuối
ngày 10/7, trường sẽ cho cán bộ giảng viên nghỉ “xả hơi” khoảng 2-3
ngày mới tiến hành dồn túi, đánh phách. Vì trường hầu như phải thuê
trường ngoài chấm hộ (Toán thuê ĐH Bách khoa Hà Nội, Văn thuê ĐH Sư phạm
Hà Nội) nên thời gian bắt đầu chấm sẽ khá muộn, khoảng từ 19-20/7. Tuy
nhiên, tiến độ chấm sẽ đảm bảo để ngày 30/7 có dữ liệu điểm thi gửi lên
Bộ GD&ĐT theo đúng quy định.
Cũng phải hoàn toàn thuê ngoài, Trường
ĐH Đại Nam sẽ dồn bài thi cả hai đợt cùng chấm, mặc dù không chủ động
tiến độ nhưng lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định sẽ đảm bảo xong trước
30/7.
ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN), Phó Hiệu trưởng
Nguyễn Văn Kim cho biết: Trường sẽ mất một ngày làm phách trước khi bắt
tay vào chấm, nguyên tắc là đảm bảo bí mật tuyệt đối, làm phách 2 vòng.
Ngoài chấm thi cho trường, ĐH KHXH&NV còn làm thêm trách nhiệm chấm
thi cho nhiều trường bạn.
Học viện công nghệ bưu chính viễn thông
tiến hành làm phách ngay thi sau thi xong và tiến hành chấm ngày 14/7.
Học viện Ngoại giao ngoài 15/7 sẽ tiến hành chấm thi, trường tự chấm môn
thi trắc nghiệm và thuê chấm môn tự luận. ĐH Ngoại thương triển khai
làm phách từ ngày 11/7, có thể bắt đầu chấm thi từ ngày 13 và công bố
điểm khoảng 25/7…
Chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi
Ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo
thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, tuyển sinh
ĐH, CĐ năm 2013 bổ sung quy định chấm kiểm tra. Cụ thể, Hội đồng tuyển
sinh bên cạnh các Ban coi thi, Ban cơ sở vật chất, Ban chấm thi, thành
lập thêm Ban chấm kiểm tra, do một Phó Hiệu trưởng làm trưởng ban. Trong
Ban này gồm các tổ chấm kiểm tra tương ứng với mỗi môn thi tự luận của
trường. Mỗi bộ môn thuộc Ban chấm kiểm tra phải có ít nhất 3 thành viên
là cán bộ chấm thi có trình độ, có kinh nghiệm đúng chuyên môn.
Về số lượng, theo Cục trưởng Ngô Kim
Khôi, sẽ thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi của mỗi môn thi tự
luận. Quy trình chấm “đuổi” theo tiến độ chấm thi, ví dụ ban chấm thi
chấm được 1000 bài của môn thi tự luận nào đó thì Ban chấm kiểm tra chấm
đuổi là 50 bài. Điều này đảm bảo kết quả thi khách quan, chính xác, đảm
bảo công bằng cho thí sinh.
Mặc dù với quy định này, các trường cũng
như cán bộ giảng viên sẽ phải “thêm việc”, thêm nhân lực, thời gian
chấm thi cũng có thể kéo dài hơn, nhưng lãnh đạo các trường rất ủng hộ
và cho rằng, đó là cách tốt để đảm bảo tính trung thực, khách quan của
kết quả chấm thi, là một cách để kiểm soát tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Sơn - Phó Hiệu
trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ
thể hơn. Ví dụ, quy định rõ giá trị pháp lý của điểm chấm kiểm tra như
thế nào; cùng với đó là việc quy định cụ thể hơn cách thức tiến hành quy
tắc rút bài hay thời điểm lấy bài thi…
Giải đáp điều này, Cục trưởng Ngô Kim
Khôi cho biết: Quy trình chấm kiểm tra cũng chấm 2 vòng độc lập. Kết quả
chấm kiểm tra có tác dụng tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh để
điều chỉnh kịp thời chất lượng chấm của Ban chấm thi. Trong trường hợp
cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thi của trường sẽ tổ chức đối thoại giữa
Ban chấm kiểm tra và Ban chấm thi để đảm bảo kết quả và đảm bảo chất
lượng chấm thi đúng đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT, đúng chất lượng
bài làm của thí sinh.
-----------------------------------------------