Mới đây, UBND thành phố Hà Nội
đã ban hành Quyết định 22 về việc dạy thêm, học thêm với nhiều quy định
mới về nhà trường và giáo viên, mức thu chi học phí... Tuy nhiên, để
việc dạy thêm, học thêm trong thời gian tới đi vào quy củ vẫn đòi hỏi nỗ
lực, ý thức tự giác không nhỏ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên,
học sinh.
Ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng GD trung học Sở GD&ĐT Hà Nội đã trao đổi với GD&TĐ xung quanh vấn đề trên.
Xin ông cho biết những điểm đáng chú
ý trong quy định mới về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố mà Hà
Nội vừa ban hành và có hiệu lực từ 5/7/2013?
Ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng GD trung học Sở GD&ĐT Hà Nội |
Quyết định số 22 ra đời có 5 điểm mới.
Thứ nhất, đối với cán bộ, công chức,
viên chức nhà nước đang làm việc thì không được đứng ra tổ chức việc dạy
thêm, học thêm (DTHT).
Thứ hai, không được dạy thêm đối với cấp Tiểu học.
Thứ ba, việc dạy thêm học thêm phải phân
loại đối tượng học sinh để dạy cho phù hợp. (Trước đây chúng ta thường
dạy đại trà trong đó có cả học sinh yếu, trung bình, khá...).
Thứ tư, phân cấp quản lý việc dạy thêm
học thêm cho các cấp thuộc UBND TP. Trong đó giao cho Sở GD&ĐT Hà
Nội quản lý và cấp giấy phép đối với các trường THPT; còn với các quận
huyện thì cấp phép cho các trường THCS. Tuy nhiên, vai trò của Sở
GD&ĐT Hà Nội vẫn là chủ trì, chỉ đạo, kiểm soát DTHT và chịu trách
nhiệm trước thành phố về việc DTHT.
Thứ năm, quan trọng nhất đó là quyết
định 22 đã đưa ra được mức trần học phí. Quyết định này có thể thực hiện
được lâu dài bởi được tính dựa vào mức bình quân hệ số lương cơ bản để
tính mức trần học phí khi mức lương cơ bản tăng. Như vậy, Quyết định 22
này sẽ không bị lỗi thời.
Theo ông, Quyết định 22 về dạy thêm,
học thêm ra đời sẽ mang lại những thuận lợi gì trong việc quản lý cũng
như hạn chế được những biến tướng nào từ hoạt động này?
Rõ ràng, Quyết định 22 ra đời sẽ mang
đến nhiều thuận lợi trong vấn đề quản lý bởi nó đã chỉ rõ được những đối
tượng nào được dạy thêm, không được dạy thêm; đối tượng nào được và
không được đứng ra tổ chức dạy thêm; chỉ được đứng ra dạy thêm khi có tổ
chức mời.
Đặc biệt, vấn đề cơ bản giúp chúng ta
quản lý được hoạt động này đó là mức trần học phí. Trước đây, “trăm hoa
đua nở”, thích thu bao nhiêu thì thu. Khi có quy định mức trần thì chỉ
được thu ở mức tối đa mức trần. Với các đơn vị vi phạm, thu vượt qua mức
trần thì chúng ta sẽ có căn cứ để xử lý kỷ luật.
Mặt khác, trước đây do không quyết định
dạy thêm học thêm phải chia theo trình độ nên nhiều giáo viên có thể dạy
đại trà lớp của mình. Giờ đây, hiệu trưởng sẽ là người đứng ra kiểm tra
và phân chia trình độ học sinh sau đó bố trí giáo viên dạy cho phù hợp.
Như vậy sẽ tránh được những tiêu cực như: cô không được dạy đồng loạt
học sinh một lớp; tránh ép buộc học sinh; tránh việc giáo viên mang nội
dung kiến thức dạy ở lớp học thêm, lơ là lớp chính thức; hoặc tránh được
việc mang kiến thức vào dạy ở lớp học thêm nhưng lại kiểm tra trên lớp
chính khóa...
Cô và trò Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) |
Vậy, khó khăn lớn nhất mà ngành Giáo
dục Hà Nội phải đối diện trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa
bàn thành phố thời gian tới, kể cả khi Quyết định 22 ban hành là gì,
thưa ông?
Quyết định 22 ra đời với nhiều thuận lợi
song khó khăn trong thời gian tới vẫn là cấp giấy phép vì dạy thêm học
thêm có hai mảng: trong và ngoài nhà trường. Đối với trong nhà trường,
chúng ta quản lý không khó bởi sẽ bám vào đội ngũ quản lý là các hiệu
trường; cơ sở vật chất nhà trường, giáo viên nhà trường (khá cụ thể).
Chúng ta có thể tin vào sự chịu trách nhiệm của cấp lãnh đạo nhà trường
cũng như bản thân giáo viên…
Còn đối với dạy thêm học thêm ngoài nhà
trường lại khá nhỏ lẻ, phức tạp. Khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra để cấp
giấy phép, các cơ sở có thể đáp ứng đủ bàn ghế, ánh sáng... Nhưng sau
một thời gian ngắn có thể họ sẽ vi phạm. Hoặc khi xin cấp giấy phép, các
cơ sở hoàn toàn có thể tổ chức đối phó, dàn dựng các cơ sở vật chất
thiết yếu để đoàn kiểm tra có thể cấp giấy phép nhưng sau khi được cấp
phép thì cơ sở vật chất xuống cấp, mà không hề được nâng cấp, sửa chữa
để đáp ứng được yêu cầu...
Không những thế, số lượng cơ sở tổ chức
dạy thêm học thêm bên ngoài nhà trường hiện nay không ít, trong khi đó,
nhân lực chuyên trách nhiệm vụ kiểm tra phát hiện sai phạm còn khiêm
tốn. Chúng ta cũng không thể ngày nào cùng tiến hành kiểm tra những cơ
sở nhỏ lẻ đó.
Quy định về cơ sở vật chất là một
trong những tiêu chí quan trọng để cấp giấy phép dạy thêm, học thêm
trong nhà trường. Theo đánh giá của ông, tiêu chí này có trở nên khó
khăn đối với các trường tại Hà Nội khi đăng ký giấy phép?
Với cơ sở vật chất đang có thì các
trường ở Hà Nội hầu như đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cấp
phép dạy thêm học thêm trong trường. Hơn nữa, điều kiện về cơ sở vật
chất để cấp phép dạy thêm học thêm trong nhà trường vẫn thấp hơn nhiều
so với yêu cầu dạy học chính khóa của Bộ GD&ĐT.
Vì vậy, có thể nói, mối lo ngại hơn cả
hiện nay đối với quản lý dạy thêm học thêm chính là các cơ sở ngoài nhà
trường, các trung tâm có yếu tố nước ngoài. Làm sao để phát hiện những
vi phạm, trá hình... của các cơ sở này là cả một vấn đề cần suy nghĩ và
tìm ra các biện pháp xử lý triệt để.
-----------------------------------------------