Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Âm nhạc dân tộc qua những bài hát xẩm

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức cuộc hội thảo rất quan trọng: Âm nhạc dân tộc trong cuộc sống của con người Việt Nam. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Phải nói rằng: Không chỉ hôm nay mà từ bao đời âm nhạc đã là một phần trong cuộc sống của dân tộc, thấm sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam. Âm nhạc ấy mang hồn dân tộc nên gọi là âm nhạc dân tộc. Đó là tiếng nhạc từ lời ru của mẹ đã đi vào giấc ngủ con thơ và rót vào tâm hồn mỗi chúng ta như dòng sữa mẹ. Đó là tiếng đàn bầu thánh thót dưới trăng khuya, đem lại những âm thanh kì diệu từ một nhạc cụ của riêng dân tộc ta: Vô cùng đơn giản và chỉ có một dây. Đó là tiếng sáo thiết tha của chàng thanh niên làm thổn thức trái tim người thiếu nữ lúc canh ba còn chưa ngủ. Đó là tiếng sáo mà Thế Lữ đã ngợi ca: “Khi cao vút tận mây mờ/ Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh”.
Gặp Mai Tuyết Hoa, tôi sửng sốt và rất xúc động nghe tiếng nhạc và lời ca của một bài hát. Tôi nhớ lại 80 năm trước khi tôi 17 tuổi, đã sống giữa lời ca và tiếng nhị của một loại hình âm nhạc dân tộc gọi là hát Xẩm. Thời đó, không khí hát Xẩm tràn ngập không chỉ trên quê hương tôi mà còn ở khắp đồng bằng Bắc Bộ. Xẩm ở đầu chợ. Xẩm ở bến sông. Xẩm ở con đò sang ngang. Xẩm ở trên toa tàu điện…



GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.                                                                      Ảnh IT
Người hát Xẩm là một người mù có vợ hoặc con dắt đến những nơi có đông đảo người nghe. Ông ta trải một mảnh chiếu ngồi, để một chậu thau nhỏ trước mặt rồi kéo nhị và hát. Khách đến mỗi lúc một đông. Mọi người đến nghe và cảm xúc ném vào chậu thau một số đồng tiền bằng kẽm hoặc đồng. Nhiều nhà có tiền mời ông ta vào sân nhà hát và cho mọi người đến cùng nghe. Xẩm thời ấy trở thành món ăn tinh thần rất được ưa thích ở khắp các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, nghe Mai Tuyết Hoa cùng các nghệ sĩ kéo nhị và hát lại các bài Xẩm thì cả một quá khứ thơ mộng như trở về trong tâm khảm tôi.
Tôi biết rằng không chỉ riêng tôi mà những người cùng thời của tôi đều ưa thích nghe hát Xẩm. Tại sao như thế? Trước hết là Xẩm phản ánh rất sâu sắc và tinh vi cuộc sống trong dân gian. Lời văn rất giản dị nhưng lại rất hấp dẫn, như là tiếng nói từ tâm hồn đến tâm hồn. Tiếng hát rành rọt từng lời, âm thanh rất trong sáng, câu văn trau chuốt và rung cảm. Nội dung có thể chính người hát Xẩm tạo ra nhưng phần lớn đều do những nho sĩ biên soạn. Trong những tác giả bài hát, nổi bật lên một nhà thơ lớn của dân tộc. Đó là Á Nam Trần Tuấn Khải, nổi tiếng với bài “Anh khóa ơi”. Khi tôi học phổ thông ở Thái Bình thì một anh bạn có giọng hát Xẩm rất hay, được thầy giáo tôi thỉnh thoảng bảo anh hát một bài cho cả lớp nghe. Nên từ đây tôi lại càng ưa thích giọng hát Xẩm.
Tôi cảm ơn nghệ sĩ Tuyết Hoa đã tặng tôi một đĩa ghi âm các bài hát Xẩm cổ truyền của nhiều danh ca mà tôi quý mến. Hằng ngày, sau những giờ làm việc mệt mỏi hoặc mỗi lần huyết áp lên cao, tôi lại mở đĩa ra nghe và nghe xong tôi lại cảm thấy tinh thần sảng khoái, nhẹ nhàng. Hiện nay tôi thuộc từng lời trong băng đĩa ấy. Đối với tôi, đó là thứ thuốc hiệu nghiệm nhất khi huyết áp lên cao hoặc tinh thần mệt mỏi.
Trung tâm nghiên cứu của Mai Tuyết Hoa phục hồi hát Xẩm là việc rất lớn để bảo tồn và phát huy một di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc. Tôi tin rằng nghệ thuật hát Xẩm, với lời thơ, với âm thanh và làn điệu đặc sắc của nó, sẽ đi vào lòng người. Thành công của việc phục hồi hát Xẩm sẽ mở đường cho Trung tâm tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và phát huy được nhiều di sản nghệ thuật khác nữa của ông cha ta đang còn phong phú trên mọi miền đất nước.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :