Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Giữ gìn âm nhạc dân tộc trong dòng chảy của nhạc thị trường

Vì sao giới trẻ ngày càng thờ ơ với âm nhạc dân tộc, chạy đua theo dòng nhạc thị trường? Vì sao hàng chục năm qua dòng nhạc dân tộc chưa có tác phẩm nào xứng tầm với đất nước ngày càng đổi mới? Trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài, của âm nhạc hiện đại, âm nhạc dân tộc đã bị xâm lấn một cách mạnh mẽ. Và dường như giới trẻ hiện nay chỉ còn biết đến, chỉ thích nghe và hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài mà dần quên đi hoặc không còn mặn mà với âm nhạc dân tộc. Làm gì để bảo vệ âm nhạc dân tộc trong cuộc sống hôm nay là băn khoăn, lo lắng của các nghệ sĩ có tâm huyết với nghề, những giáo sư, tiến sĩ về văn hóa trước xu hướng hội nhập như hiện nay, nghệ thuật dân tộc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường, nghệ thuật thương mại.


Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Hội thảo khoa học “Âm nhạc dân tộc trong cuộc sống hôm nay” vừa diễn ra vào ngày 9-8-2013 do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp với Nhạc viện TPHCM tổ chức đã nêu ra một loạt các vấn đề không mới nhưng vẫn là bức xúc của những người làm nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Tất cả đều tỏ ra lo lắng trước một thực tế âm nhạc dân tộc đang dần bị mai một bởi đa số giới trẻ, thanh thiếu niên hiện nay - lực lượng thưởng thức đông đảo của xã hội - lại ít mặn mà với âm nhạc dân tộc, ngược lại họ rất sành và yêu thích các bài hát nhạc trẻ, nhạc thị trường, nhạc ngoại với các trào lưu âm nhạc jazz - rock - pop. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền và bảo tồn âm nhạc dân tộc.  Hiện tại, cả nước có hàng trăm tờ báo nhưng nhiều tờ báo đi sâu khai thác thông tin những vụ scandal ăn mặc hở hang, lộ hàng, các chiêu đánh bóng tên tuổi của một số người muốn “nhảy” vào showbiz Việt (đơn cử như vụ scandal Bà Tưng) mà quên đi việc đề cập đến văn hóa truyền thống, âm nhạc dân tộc... Bởi vậy lúc này âm nhạc dân tộc đang rất cần sự đồng hành của giới truyền thông. PGS.TS Lê Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cũng đồng quan điểm khi cho rằng truyền thông trong nước hiện nay chưa dành sự quan tâm cho dòng nhạc truyền thống, bởi có nhiều chương trình âm nhạc nghiêm túc thì được phát sóng vào khung giờ ít người xem, trong khi đó những game show giải trí, những chương trình thiếu định hướng thẩm mỹ cho công chúng yêu nhạc thì được phát vào khung “giờ vàng” cũng gây khó khăn cho việc tiếp cận âm nhạc truyền thống của giới trẻ.



Những điệu xoan, xẩm cần được bảo tồn và phát huy
trong dòng chảy của âm nhạc dân tộc
Ngay GS Trần Văn Khê cũng cho rằng chúng ta đang bỏ quên một gia tài rất lớn - đó là âm nhạc dân tộc trong tâm hồn người Việt. Bởi cứ chạy theo xu hướng thị trường, nhiều người muốn cho con nghe nhạc giao hưởng nước ngoài để “kích thích trí thông minh” mà quên rằng dân ca của ta cũng tương đồng với những giai điệu nhẹ nhàng của nhạc cổ điển nước ngoài.

Trong bối cảnh âm nhạc dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là bằng mọi cách phải bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống. Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội thảo để nghiên cứu đề xuất với Nhà nước và Chính phủ nhằm có những chủ trương, chính sách kịp thời trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, xác lập lại vị trí xứng đáng của nó trong đời sống xã hội.   
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :