Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Đề văn mở, chưa đủ!

Tình yêu môn văn ở học trò ngày càng sa sút là vấn đề đã được giới chuyên môn gióng chuông năm này qua năm khác. Cứ sau mỗi kỳ thi tú tài, đại học, thì những bài văn, câu văn ngây ngô tệ hại cười ra nước mắt thường được báo chí khai thác và trích dẫn như một đề tài “hot” có tính chu niên.

Gần đây, dường như đã có một vài biểu hiện cải thiện khi lác đác xuất hiện một vài đề văn nghị luận “mở” trong các kỳ thi khuyến khích sự tự do trình bày nhận thức, góc nhìn của học sinh trước các vấn đề “nóng” của xã hội (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Có lẽ những ai làm trong ngành sư phạm đều hiểu rõ căn nguyên nỗi nhức nhối đó không nằm ở học sinh, mà nằm ở nội dung và phương pháp dạy học môn văn trong nhà trường. Và điều lạ là, nhiều thầy cô dạy văn vẫn nhận ra sự tác hại của tính chất từ chương, giáo điều, tư duy cứng nhắc trong giảng dạy văn chương ở nhà trường đã ảnh hưởng thế nào đến tư duy nhận thức cuộc sống, tư duy sáng tạo của học trò nhưng họ vẫn không tài nào thoát ra khỏi vũng lầy.
Gần đây, dường như đã có một vài biểu hiện cải thiện khi lác đác xuất hiện một vài đề văn nghị luận “mở” trong các kỳ thi khuyến khích sự tự do trình bày nhận thức, góc nhìn của học sinh trước các vấn đề “nóng” của xã hội. Với học sinh, môn văn đã không còn chôn chân trong hệ thống sách giáo khoa và những khung xương lạnh lùng mòn ruỗng trong sách hướng dẫn giảng dạy, mà kết nối vận dụng những hiệu quả về khả năng quan sát, thể hiện cảm xúc, biểu hiện ý thức trước các vấn đề thời sự đời sống chung quanh.
Đại học FPT với đề văn tuyển sinh yêu cầu thí sinh phát biểu quan điểm về chữ trinh của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Đề văn này được các chuyên gia có tư tưởng tiến bộ trong giáo dục hưởng ứng trong khi nhiều người lại xem là quá “nhạy cảm”. Điều đáng quan tâm đó là, vượt qua một chút xúc cảm bối rối ban đầu, nhiều thí sinh đã có thể hành xử với đề văn này một cách thoải mái, tự do giãi bày, bảo vệ quan điểm của mình về một vấn đề bấy lâu bị xem là khó nói, thậm chí cấm kỵ, tế nhị trong nhà trường.
Vừa qua, lóe lên trong đề văn kỳ thi tú tài 2012 một yêu cầu bài viết 400 từ dưới dạng nghị luận xã hội về chủ đề “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Bài viết này chiếm 3/10 điểm. Tuy nhìn trên tổng thể thì đề văn năm nay vẫn còn những câu hỏi giáo khoa, cũ kỹ, từ chương, nhưng bài luận về “thói dối trá” là một cách đưa vấn đề hay, loại trừ khả năng học vẹt, copy tài liệu hay theo dàn ý “học tủ”, đòi hỏi khả năng suy luận và vận dụng sáng tạo của học sinh.
Đề văn về “thói dối trá” một lần nữa gây sự chú ý của dư luận bởi nó hướng tư duy của người học đến mối tương quan xã hội, nó khuyến khích sự độc lập sáng tạo và tinh thần dân chủ ở người học.
Những sự việc trên dẫn dắt liên tưởng đến một câu chuyện khác không mấy vui. Đầu tháng 5.2012 Nguyễn Vũ Anh, học sinh lớp 12A2 trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), đã viết một “bài văn lạ” – theo cách nói của nhiều tờ báo. Cậu học trò này đã khéo léo “lái” vấn đề bạo lực học đường (theo yêu cầu của đề văn) sang bày tỏ bức xúc về cơ sở vật chất của nhà trường, cụ thể là việc lắp đặt hệ thống quạt máy thiếu khoa học đã gián tiếp gây “bạo lực tâm lý” lên người học. Kết quả: bài văn bị nhận điểm 0 vì “Ý thức kém” (theo lời phê của giáo viên phụ trách môn văn). Ngoài ra, cậu học trò này còn bị nhà trường buộc làm bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh, bị buộc đọc bản kiểm điểm trước lớp chỉ vì “mô tả không đúng về tình trạng cơ sở vật chất của nhà trường”.
Trong trường hợp này, lẽ ra những người làm công tác sư phạm ở trường Ngô Quyền phải đặt ra câu hỏi, vì sao học sinh lại chọn cách viết “cố tình lạc đề” để nhìn nhận lại thực tế về vấn đề mà em đề cập.
Vì sao một học sinh phải chọn cách lái vấn đề, có nghiên cứu và vận dụng nhiều kiến thức khoa học chứng minh sự bất hợp lý trong đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường – vấn đề mà em có thể ý kiến trực tiếp với nhà trường – vào trong một bài văn?
Tinh thần “mở” còn nằm ở chỗ, nhà trường, nhất là người dạy phải có khả năng suy xét nghiêm túc trước những ý kiến độc lập, cắt nghĩa thấu đáo những ý tưởng sáng tạo (kể cả khi đó là những sáng tạo nghịch ngợm), kể cả những quan điểm có tính đụng chạm trực tiếp từ phía học trò để tự hoàn thiện môi trường giáo dục.
Không thể đòi hỏi sự độc lập, tư duy sáng tạo nơi học trò nếu như người dạy, nhà trường, và nhất là hệ thống giáo dục vẫn còn là thành trì vững chắc của sự chủ quan, bảo thủ và áp đặt một chiều.
Đề văn mở cần người viết “mở” và cũng rất cần người chấm ở tinh thần tiếp nhận và đánh giá với tư duy “mở”. Để việc hô hào về tính “mở” trong giảng dạy văn học không là biểu hiện của “thói dối trá” trong môi trường giáo dục!

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :