Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

“Phao” trắng sân trường, tỷ lệ vi phạm quy chế vẫn giảm

 Mặc dù ghi nhận ở nhiều điểm thi cho thấy, năm nay, tình trạng "phao" vứt ngập sân trường trước và sau mỗi môn thi diễn ra khá tràn lan, song theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số thí sinh vi phạm quy chế và số giám thị bị đình chỉ công tác thi đều giảm, công tác chỉ đạo tổ chức thi được nâng cao.

Đình chỉ 34 thí sinh và 8 giám thị
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, năm 2012, toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, thành lập 2.307 hội đồng thi (HDT) với tổng số 40.620 phòng thi, huy động hơn 124 nghìn cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, tổng thí sinh đăng ký tham dự là 963.474 em. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt 99,71%, tăng 0,07% so với năm 2011.
Kết thúc kỳ thi, thống kê cho thấy, trên toàn quốc có 34 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi, giảm 11 trường hợp so với năm 2011 (45 trường hợp) và giảm 63 trường hợp so với năm 2010 (90 trường hợp). Ngoài ra, cả nước chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ công tác thi.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đề thi năm nay được bảo mật tuyệt đối qua mọi khâu từ soạn thảo, in sao tới vận chuyển đến các HĐT và phòng thi, không có hiện tượng tung tin thất thiệt về việc lộ đề như những năm trước. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình, vừa sức với học sinh và đặc biệt một số môn thi như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý được ra theo hướng mở, gắn liền với thực tiễn đời sống, chính trị xã hội.
Trước đó, để chuẩn bị cho công tác thi, theo Bộ GD-ĐT, nhiều địa phương đã có những sáng kiến hay về hỗ trợ tổ chức thi, như tỉnh Nghệ An ra quyết định hạn chế tổ chức các Hội nghị trong những ngày thi tốt nghiệp THPT để tập trung lực lượng chỉ đạo thi; UBND TP Đà Nẵng cấm xe ben hoạt động trên các tuyến phố nội thành vào giờ cao điểm, Sở GD-ĐT Điện Biên gửi hơn 10 tấn gạo và Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế hỗ trợ 3.000 suất cơm trưa miễn phí đến một số trường vùng sâu vùng xa của địa phương…
Không khuyến khích thí sinh quay clip phản ánh sai phạm trong phòng thi
Trước phản ánh về tình trạng thí sinh tại nhiều điểm trường vẫn sử dụng tài liệu, thậm chí được giám thị ném bài cho chép, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Đối với Ban chỉ đạo và thanh tra, chúng tôi quan tâm mọi dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng cần có chứng cứ ban đầu thì mới có thể vào cuộc”. Theo ông Bằng, Bộ chưa có thông tin về việc cán bộ coi thi gửi gắm người nhà để được chép bài. Về vấn đề phao thi, ông Bằng khẳng định, sau khi nghe nhiều chiều phản ánh về "phao thi", Thanh tra Bộ thấy vấn nạn này được hạn chế nhiều so với năm trước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, không phải tất cả các giấy tờ vứt ra đều là "phao", thí sinh có thể mang theo để… ôn luyện trước giờ hoặc xem đáp án sau khi kết thúc môn thi. “Không phải mang nhiều phao thi là đánh giá HĐT đó nghiêm hay không nghiêm mà phải là có sử dụng "phao" trong phòng thi hay không”, ông Hiển nói.
Về việc giao quyền chủ động thi cho các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá, công tác này phát huy nhiều tác dụng song sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn và Bộ sẽ kiểm tra lại như hàng năm. Tuy nhiên, việc có công khai sai phạm hay không thì Bộ còn phải tùy thuộc vào từng sự kiện, công khai để phục vụ công tác quản lý, đảm bảo công bằng chứ không thể công khai tất cả.
Liên quan đến việc phát hiện và tố cáo sai phạm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển hoan nghênh những ai cung cấp chứng cứ và phản ánh lên cơ quan chức năng giải quyết. Với những trường hợp thí sinh quay clip trong phòng thi để tố cáo sai phạm, Bộ sẽ nghiêm túc xem xét, tuy nhiên không khuyến khích cách phản ánh sai phạm này. Bởi theo ông Hiển, việc thí sinh mang camera vào phòng thi là vi phạm quy chế và có rất nhiều biện pháp khác để tố cáo tiêu cực trong thi cử.

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :