Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nhạc Việt đang rất thiếu nhà phê bình chuyên nghiệp

Lâu nay, mảng phê bình âm nhạc dường như đang bị bỏ ngỏ. Câu chuyện về những nhận định dũng cảm và chính xác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 những ngày qua, và sự "phản pháo” thiếu lễ độ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ. Nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo đã có những trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn với Báo Đại Đoàn Kết quanh chủ đề thực trạng phê bình trong lĩnh vực âm nhạc. 





PV: Anh nhận định thế nào về thực trạng phê bình âm nhạc ở Việt Nam hiện nay? Những nhà phê bình âm nhạc cần định hướng thị hiếu công chúng ra sao để có một môi trường âm nhạc chất lượng, văn minh? 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Với tôi thì nhạc Việt đang rất thiếu vắng những người làm phê bình âm nhạc chuyên nghiệp và điều đó cũng lại cần những chia sẻ khách quan. Theo cách tôi hiểu, một nhà phê bình âm nhạc không chỉ là một người hiểu biết nhiều bộ môn âm nhạc, mà anh ta phải có những phương pháp lý luận rất sắc sảo, kiến thức chung rất rộng và vững, cũng phải thấu hiểu thực tế âm nhạc tại nơi anh ta bàn luận. Dĩ nhiên đòi hỏi như thế là quá nhiều nhưng chúng là những điều bắt buộc. Lý luận vốn là môn đầu ngành, từ lý luận mới có sáng tác, từ sáng tác mới có chỉ huy hay biểu diễn. Tôi luôn trăn trở về những điều đó. 

Tại sao lại thiếu vắng lực lượng phê bình chuyên nghiệp? Theo tôi, lý do chính yếu là vì ít người học lý luận ra trường quyết liệt theo nghề. Ngược lại do theo nghề này sẽ rất khổ cực giữa một nền âm nhạc thiên về giải trí hiện nay. Sâu xa hơn việc đào tạo lý luận tại các trường nhạc lớn còn kinh viện, thiếu thực tế thế nên các nhân tố lý luận khi ra làm việc khó bắt nhịp được với tình hình thực tại và thiếu thuyết phục. Lý do thứ hai là hoạt động âm nhạc ở Việt Nam đa số là các hoạt động ca nhạc phổ thông, nền âm nhạc thiên về giải trí và các nghệ sĩ biểu diễn là các ca sĩ, nghĩa là nền âm nhạc bị kinh tế chi phối rất mạnh. Như thế thì lý luận, phê bình nếu có rất dễ bị rơi vào các cạm bẫy, khó còn có thể độc lập hoạt động. Bây giờ chúng ta cũng có thể thấy bức tranh toàn cảnh là nghệ sĩ biểu diễn như các ca sĩ giờ quá đông, chỉ huy rất ít do nhạc đàn giờ ít được vận dụng, mà sẽ thay vào đó là vai trò của các nhà sản xuất tổ chức biểu diễn âm nhạc. Nhạc sĩ sáng tác hiện tại thừa thì vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu, chủ yếu chỉ tập trung trong mảng sáng tác ca khúc, còn lực lượng phê bình thì coi như là vắng bóng. 



Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Có ý kiến cho rằng, việc định hướng công chúng về lĩnh vực âm nhạc đang dồn hết lên vai giới truyền thông, anh nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, truyền thông mới chỉ mạnh về thông tin chứ chưa phải những người có khả năng khen chê thấu đáo, minh bạch trước các hiện tượng, tác phẩm âm nhạc. Ngoài ra, công chúng cũng bị/được định hướng thông qua các tranh luận, bình luận từ giới hâm mộ, và những quan điểm khác nhau trong giới sáng tác, biểu diễn. Như thế, về căn bản thì chúng ta đang có một đời sống âm nhạc khá trái khoáy, ngược đời. Sự định hướng coi như là không rõ ràng, là chưa có định hướng nào, hầu như tất cả chỉ là sự tự phát của một nền âm nhạc thiên về giải trí, chiều theo mô hình nghệ sĩ kinh doanh lấy cátxê. Đó là khó khăn chung và âm nhạc không cách nào thực sự phát triển mạnh được đâu. Muốn có sự định hướng và làm thế nào định hướng đúng đắn, trước hết, tôi cho rằng: Chúng ta cần đầu tư tạo dựng nền âm nhạc căn bản hơn, cân xứng hơn, với 4 bộ phận lý luận, sáng tác, chỉ huy và biểu diễn một cách hài hòa, có chất lượng và đủ thực tế, đó là về lâu dài. Với hiện tại, tôi nghĩ những cử nhân lý luận ra trường hay các nhà báo hiểu nhạc lý cần xông pha hơn với thực tế. Họ có quyền được bình luận, phân tích chuyên môn khi khán giả đang muốn nghe nhiều tiếng nói chuyên môn hơn. Ngoài ra thì chúng ta cũng phải biết chờ đợi nữa. 

Anh có cho rằng một bộ phận không nhỏ "sao” Việt đang ngộ nhận,  nhất là những ca sĩ tự phong là "sao” trong dòng nhạc thị trường?

Tôi chỉ nghĩ sự ngộ nhận là một điều thiệt cho cá nhân người ngộ nhận. Mỗi người có một thái độ sống và làm việc. Chúng ta có nhiều người thành công mặt này mặt kia. Nhưng thành công của cá nhân cũng phải là cái góp vào lợi ích bền vững của cộng đồng thì người ta mới có thể thừa nhận đó là một thành công.

Ca sĩ tự phong là "sao” bởi họ ngây thơ. Tôi không trách điểm đó. Khao khát làm nghệ thuật là một nét đẹp, tôi rất thích. Tuy nhiên, khi mong ước tốt đẹp ấy ở một người thiếu tự nhận thức trở thành sự tham lam, rằng tôi đang là một nghệ sĩ lớn, một ông này bà nọ, thì mong ước ấy cũng tước đi quyền tôn vinh ghi nhận của cộng đồng. Nó làm mất cân bằng quan hệ nghệ sĩ-khán giả và cũng là một dạng bất công xã hội. Vậy thì nghệ sĩ tự phong giống như những con người ngộ nhỡ mà phạm sai lầm. Họ cần được chia sẻ và giúp đỡ. Qua đó họ tự nhận thức lại mình với mong ước tốt đẹp ban đầu của mình, chứ không nên chỉ trách họ khi họ sai bởi họ yêu nghệ thuật.

Một câu hỏi hết sức riêng tư, nhiều người cho rằng nhạc sĩ Đỗ Bảo chỉ chăm chút cho những sáng nhạc của mình, và hình như anh tách biệt khỏi giới showbiz. Anh có phải gồng mình để tránh môi trường âm nhạc thị trường đầy tai tiếng hiện nay không?

Bản tính tôi không thích sự ồn ào. Tôi cảm thấy vui với những việc tôi đang làm và tôi cho là mình làm một việc có kết quả. Ngoài ra nó vẫn đảm bảo cho mình một cuộc sống tốt. Tốt ở đây là tương đối toàn diện, không thiên lệch. Nghề sáng tác mà tôi theo đuổi hóa ra lại cho mình một cuộc sống rất cân bằng. Tôi thấy đa số người ta tham gia vào showbiz (làng giải trí) để kinh doanh nhiều hơn, mà nguyện vọng của tôi là đi theo con đường nghệ sĩ. 

Showbiz ngày hôm nay là tập hợp của nhiều thành phần khác nhau về trình độ chuyên môn cũng như tư chất con người, rất hỗn mang. Tiếc rằng đó không phải môi trường để tôi bộc lộ những suy tư của mình trong cuộc sống và trong sáng tác.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :